TAND TP. Vị Thanh, Hậu Giang: Phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 09:57, 26/10/2015
Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nên ngay từ đầu năm 2014, lãnh đạo đơn vị đã phối hợp với tổ chức công đoàn xây dựng chương trình hành động về công tác thi đua, khen thưởng theo định hướng có chiều sâu, có kế hoạch, mục tiêu cụ thể để phát động phong trào thi đua, khen thưởng thường xuyên; định kỳ hoặc theo chuyên đề; xây dựng cá nhân điển hình tiên tiến qua từng đợt thi đua; tham gia ký giao ước thi đua với các đơn vị và tổ chức cho cán bộ, công chức đăng ký thi đua; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tư pháp, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt chú trọng đến công tác giải quyết dứt điểm các loại án gắn liền với nâng cao chất lượng xét xử. Sau các đợt thi đua đều có các đợt tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc các mặt còn hạn chế; biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc một cách kịp thời. Nhờ vậy, các phong trào thi đua đó ngày càng quy củ.
Thời gian gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân TP. Vị Thanh đã đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội , giữ vững an ninh trật tự, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cùng với sự phát triển về kinh tế, tình hình tội phạm và các tranh chấp phát sinh trên địa bàn cũng có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất và mức độ phức tạp, nhất là các tranh chấp về dân sự và hôn nhân gia đình.
Chất lượng xét xử của TAND TP. Vị Thanh ngày càng được nâng cao
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2015, cấp ủy, lãnh đạo TAND TP. Vị Thanh đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quán triệt sâu sắc cho mỗi một cán bộ công chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về việc tổ chức thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong điều kiện biên chế ít, khối lượng công việc nhiều và phức tạp nên cán bộ, công chức trong toàn đơn vị luôn tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, xây dựng các đề tài, sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng công tác; thực hiện tốt các phong trào thi đua để hoàn thành xuất sắc về các mặt công tác.
Trong năm 2015, TAND TP. Vị Thanh thụ lý 401 vụ án các loại; đã xét xử, giải quyết 400 vụ án, đạt 99,75%. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại án ngày càng được nâng cao, việc xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không xử oan người vô tội. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức xã hội đều được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật. Với tinh thần đoàn kết, nhất trí, Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức cán bộ và xây dựng chi bộ; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác dân vận, công tác đoàn thể và việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, các hoạt động xã hội được chú trọng.
Bên cạnh đó, công tác Hội thẩm nhân dân cũng được Tòa án TP. Vị Thanh hết sức quan tâm. Trong quá trình tham gia giải quyết, xét xử các vụ án, các vị Hội thẩm đã phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình từ khâu nghiên cứu hồ sơ vụ án cho đến việc thẩm vấn tại phiên tòa; khi phán quyết các vị đã thể hiện được tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tại phiên tòa, các vị đã thể hiện được vai trò đại diện cho nhân dân, góp phần cùng Tòa án xét xử các vụ án đạt kết quả tốt. Do đó, trong 6 tháng đầu năm không có vụ án nào khi xét xử bị cải sửa, hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.
Đồng thời, nhằm làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân, Tòa án TP. Vị Thanh cũng đã tăng cường phối hợp với ngành chức năng chọn 12 vụ án điểm đem ra xét xử lưu động. Các vụ án này đều là những vụ án điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, gây dư luận xấu được nhân dân địa phương quan tâm hoặc các vụ án phức tạp gần gũi với đời sống nhân dân. Địa điểm diễn ra phiên tòa thường là nơi xảy ra vụ án, hoặc nơi bị cáo thường trú, tạm trú để tăng cường tính giáo dục, răn đe cộng đồng, qua đó nâng cao ý thức, hiểu biết về pháp luật trong nhân dân.