Chuyện kể của một cán bộ TAND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi: Tôi đã từng “đi ngang qua cõi chết"
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 08:46, 16/09/2015
Nhưng, để đến nỗi bị gió bão quăng quật, vần vũ cả tuần trời trên biển, tưởng phải "vùi thây dưới đáy đại dương" như anh Dương Văn Thiệt, cán bộ TAND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi thì quả là chuyện “xưa nay hiếm”.
Chuyến đi định mệnh
Từ xưa, nhắc đến Lý Sơn, người ta nhớ ngay đến một vùng đất khốn khó đến tận cùng. Không chỉ thiếu đất, thiếu nước ngọt, mà huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi này còn thiếu cả chỗ để chôn người chết. Năm này qua năm khác, người dân ở đây phải đánh vật với gió cát để mưu sinh. Phải mãi đến ngày được chia tách từ Bình Sơn ra thành huyện mới, điện đường, trường, trạm cùng các cơ sở hạ tầng khác được Nhà nước đầu tư nâng cấp, Lý Sơn mới có ít nhiều sự thay da đổi thịt.
Tuy vậy, huyện đảo này vẫn còn đầy rẫy những khó khăn, nhất là giao thông, đi lại. Tính đến giờ, ngoài thứ Bảy, Chủ nhật và những dịp đặc biệt thì mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến tàu cao tốc ra đảo và ngược lại. Muốn có mặt trên chuyến tàu đó, từ Bí thư, Chủ tịch huyện đến bà buôn thúng bán bưng đều phải xếp hàng mua vé từ 4,5 giờ sáng. Ra muộn hết vé, hoặc khi gia đình có việc gì cần kíp thì chỉ còn cách duy nhất là đi nhờ tàu cá của ngư dân. Và, cũng trong một lần đi nhờ như thế, anh Dương Văn Thiệt (SN 1956), cán bộ của TAND huyện Lý Sơn phải trôi dạt, lênh đênh trên biển suốt một tuần trời.
Đến giờ, mỗi khi nhắc nhớ lại chuyến đi bão táp ấy, anh Thiệt vẫn cảm thấy rùng mình. Hôm đó, do phải vào đất liền để lĩnh lương cho tất cả cơ quan nên anh Thiệt đi nhờ tàu cá của một ngư dân khi họ đi mua hàng hóa. Lúc trở về, mới rời cảng Sa Kỳ được vài kilomet thì bất ngờ giông gió nổi lên, sóng cuộn tứ bề. Tất cả những người có mặt trên thuyền đều hoảng loạn. Họ bị trồi thụt, chao đảo, quăng quật, ngả nghiêng… Thuyền như chiếc lá tre bị gió cuốn đi ném ra giữa mênh mông sóng nước.
Sau khi gói ghém toàn bộ số tiền lương của tất cả cơ quan vào trong mấy lần túi ni lông cho khỏi ướt, anh Thiệt cùng mấy thuyền viên dùng dây cột chặt mình và hàng hóa vào mạn thuyền, phó mặc cho số phận. Bão tố gào thét. Họ "cầu trời khấn phật" cho sống sót. "Quả thật, lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản, anh em chỉ sống bằng tiền lương, không may rơi mất hoặc rách nát thì tất cả đều khổ. Chắc chẳng ai bắt đền trong hoàn cảnh đó, mà có phải đền thì mình cũng không biết lấy ở đâu ra? Còn chuyện sống chết là do ông trời định đoạt, mình có muốn cũng chẳng được. Thôi đành nhắm mắt phó mặc cho số phận. Đến khi tỉnh lại, tôi thấy đang lênh đênh giữa biển", anh Thiệt nhớ lại.
Chờ mãi không thấy anh Thiệt trở về, anh em trong cơ quan đổ xô đi tìm và loan báo đến các cơ quan như bộ đội biên phòng, hải quân để nhờ họ dò tìm tin tức. Nhưng ròng rã suốt gần một tuần trời mà thuyền và gần chục con người vẫn "bóng chim tăm cá". Không ai bảo ai nhưng hầu như tất cả đều đã mường tượng đến chuyện xấu nhất xảy ra, thậm chí có người còn chợt thấy thấp thoáng bóng dáng của những ngôi mộ gió. Vợ anh Thiệt chiều nào cũng dò dẫm ra mép biển, mắt dõi mù khơi. Chị đã không còn nước mắt để khóc chồng…
Trở về từ cõi chết
Suốt gần một tuần trời lênh đênh trên biển, anh Thiệt cùng bạn thuyền đã phải vận dụng tất cả những kỹ năng của người đi biển để duy trì sự sống. Đến ngày thứ 3, rồi thứ 4 thì nhiều thuyền viên bắt đầu tỏ ra hoang mang, tuyệt vọng đến tột cùng. Những lúc đó, anh em lại phải động viên, an ủi, nhằm vực dậy tinh thần cho họ. Nhưng đến ngày thứ 7, khi tất cả số lương thực và nước ngọt dự trữ trên thuyền đã gần cạn thì ngay cả người can trường và lạc quan nhất cũng nghĩ mình sẽ phải bỏ mạng vĩnh viễn giữa đại dương.
Anh Dương Văn Thiệt
Anh Thiệt bảo: "Nói thật là đến ngày thứ 5, nhìn ba bề bốn bên đều nước xanh rợn ngợp mênh mông, có nối vài tầm mắt cũng không thấy chân trời hay bờ bến gì thì tinh thần của tôi bắt đầu lung lạc. Ngay cả những năm tháng chiến tranh, từng lăn lộn hết chiến trường Việt Nam đến chiến trường K, tôi chưa bao giờ thấy cái chết nó ở gần mình đến thế. Đã có lúc tôi nghĩ, bố mẹ mình vì không muốn con trai nối nghiệp đi biển, quanh năm đầu sóng ngọn gió, đánh cược sinh mạng với thăm thẳm đại dương nên mới cố cho mình ăn học đàng hoàng để có công ăn việc làm ổn định. Nào ngờ "người tính không bằng giời tính", giờ mình lại phải đối mặt với nguy cơ vùi thây trong nước thế này, âu cũng là cái số...".
Đúng lúc đó thì thuyền của anh Thiệt được tàu tuần tra của lực lượng biên phòng tỉnh Bình Định tìm thấy, toàn bộ thuyền viên được cứu sống. Ngay cả khi đã đặt chân lên đến đất liền, nhiều anh em trong đoàn không còn làm chủ được mình. Họ hò hét, cấu véo đủ chỗ trên cơ thể xem mình mơ hay tỉnh. Thậm chí có cậu thanh niên còn chạy khắp cầu cảng, gặp ai cũng rối rít: "Tôi sống thật rồi! Tôi sống thật rồi!". "Có đứng trước cái lằn ranh sống, chết mới hiểu cảm xúc của họ lúc bấy giờ. Đến tận khi ngồi trên chiếc xe của anh em biên phòng bố trí đưa về Quảng Ngãi, tôi vẫn không thể tin mình còn sống", anh Thiệt bảo.
Khi thấy anh Thiệt mặt tăm tối, gầy tong teo, môi tím rắt dò dẫm trở về, tất cả anh em trong TAND huyện Lý Sơn không ai cầm được nước mắt. Đến chú Anh, bảo vệ cơ quan, một "cựu" ngư dân nổi tiếng cứng cỏi, can trường cũng không giấu được cảm xúc của mình, mắt rưng rưng, miệng không ngớt: "Phải mày không hả Thiệt?". Còn gia đình, họ hàng anh Thiệt thì khỏi nói. Họ mừng khôn xiết. Sau lần đi "ngang qua cõi chết" ấy, anh Thiệt bị vợ cấm tiệt chuyện lên tàu. Có lẽ, chị không còn đủ dũng khí để lần nữa phó mặc số phận chồng mình cho biển.
Cam khó đảo xa
Và, sau đận đó, cũng không riêng gì anh Thiệt mà mấy anh em trong cơ quan cũng "chịu chung số phận", đều bị các vợ "hạn chế" về chuyện di chuyển bằng tàu thuyền. Cấm là cấm vậy thôi, nhưng vì nhiệm vụ, anh em vẫn phải đi lại như con thoi giữa đất liền và đảo. "Trước mỗi chuyến công tác, chúng tôi phải chuẩn bị mọi thứ từ vài hôm trước. Ngoài chuyện công văn giấy tờ, còn phải hỏi đặt mua vé, mua thuốc chống say đến quần áo, vải mưa. Kỹ càng, chu toàn là vậy, nhưng đôi khi vẫn phải trông cả vào... trời. Nếu trời quang mây, tạnh gió còn đỡ, chứ gặp đúng hôm mưa bão, thuyền bè không được xuất bến thì khẩn cấp đến đâu cũng đành chịu. Từ ngày nhận công tác ra đây, tôi cũng đã vài lần đi nhờ tàu cá ngư dân. Khiếp lắm!", anh Võ Ngọc Thông, Thẩm phán TAND huyện Lý Sơn tâm sự.
Trụ sở TAND huyện Lý Sơn
Không chỉ có anh Thông, ở TAND huyện Lý Sơn có 8 cán bộ, nhân viên thì đến một nửa là có gốc gác hoặc vợ con đang sinh sống đất liền. Ai mới ra đảo nhận công tác cũng hãi hùng chuyện phải đi nhờ tàu cá. Thuyền bé, công suất nhỏ, sóng gió bề bề, nhiều khi ngư dân chính hiệu còn thốc tháo ruột gan, huống hồ những người mới đi biển lần đầu. Vậy mà cứ mỗi cuối tuần, để về thăm nhà, anh em lại "khăn gói quả mướp" ra cầu cảng xếp hàng mua vé tàu cao tốc từ 5 giờ sáng. Hôm nào đông khách, không mua được vé, anh em đành quay lại chờ đến cuối tuần sau. Nhiều khi gia đình có công việc đột xuất như vợ ốm, con đau, tàu không có thì dù sốt ruột cỡ nào, anh em cũng đành phải chịu.
"Khó khăn chất chồng như thế, nhưng vì nhiệm vụ cấp trên giao phó, và trên hết là vì sự phát triển chung, nên anh em trong đơn vị luôn động viên, san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Có những người gắn bó với cơ quan, với đảo đến mấy chục năm liền. Như trường hợp anh Thiệt, về công tác ở TAND huyện Lý Sơn này từ những ngày đầu thành lập, tính đến giờ cũng 20 năm có lẻ. Ngần ấy thời gian, không phải là không có cơ hội để chuyển đi nơi khác nhưng anh ấy là người nặng tình nặng nghĩa, nguyện hết lòng vì đảo, vì công việc", Thẩm phán Phạm Văn Biểu, Chánh án TAND huyện Lý Sơn, chia sẻ.
Chính nhờ sự đoàn kết, cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị, như anh Biểu, anh Thông, anh Thiệt, nên trong mấy năm gần đây, TAND huyện Lý Sơn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, tỷ lệ giải quyết án luôn đạt 100%. Tất cả các bản án đã tuyên đều đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật, không oan sai, không để lọt tội phạm, các bản án đều được xét xử trong hạn luật định, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa ngày một được nâng cao.
Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát để đưa ra xét xử kịp thời những vụ án điểm được dư luận quan tâm. Phần lớn các phiên tòa đều thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham dự, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.