Thành lập Học viện Tòa án: Chủ động nguồn nhân lực có chất lượng cao

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 09:28, 20/08/2015

Luật Tổ chức TAND năm 2014 có những quy định mới về các chức danh Tòa án, chính vì vậy lãnh đạo TANDTC đã thành lập Học viện Tòa án, từng bước đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ Tòa án.

Đầu tháng 8/2015, Trường Cán bộ Tòa án đã được Chính phủ ra quyết định thành lập Học viện Tòa án có chức năng đào tạo đại học và sau đại học, đào tạo nghề cho các chức danh Tòa án, đây là thuận lợi lớn để TANDTC chủ động về nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng như hội nhập quốc tế.

Những quy định mới về các chức danh của Tòa án

Về chức danh Thẩm phán, Luật Tổ chức TAND quy định 4 cấp Tòa án và các ngạch Thẩm phán không tương ứng theo cấp Tòa án. Theo đó, Luật quy định có 4 ngạch là: Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Luật cũng quy định các Thẩm phán ngoài việc phải học chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử thì còn phải vượt qua các kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán hoặc kỳ thi tuyển chọn vào ngạch Thẩm phán cụ thể. Quy định mới của Luật đã đặt ra yêu cầu phải có chương trình đào tạo cho từng ngạch Thẩm phán.

Thành lập Học viện Tòa án: Chủ động nguồn nhân lực có chất lượng cao

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm phòng diễn án của Học viện Tòa án 

Chức danh Thẩm tra viên đã được quy định từ năm 1993, nhưng đến nay mới được quy định chính thức trong Luật Tổ chức TAND. Chức danh Thẩm tra viên bao gồm Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp và Thẩm tra viên về thi hành án ở Tòa án sơ thẩm. Việc quy định các ngạch Thẩm tra viên cũng là yêu cầu phải có các chương trình đào tạo tương ứng.

Về chức danh Thư ký Tòa án, đây là lần đầu tiên chức danh Thư ký Tòa án được quy định có các ngạch Thư ký viên, Thư ký viên chính và Thư ký viên cao cấp. Việc quy định này thể hiện định hướng chuyên môn hóa hoạt động Thư ký và trong công tác đào tạo phải có chương trình riêng phù hợp cho các ngạch Thư ký Tòa án.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh tư pháp

Xác định nhiệm vụ đào tạo các chức danh tư pháp trong TAND để đáp ứng yêu cầu Luật Tổ chức TAND năm 2014 là rất cần thiết, nên lãnh đạo TANDTC đã giao cho Trường Cán bộ Tòa án thực hiện nhiệm vụ này. Ngay từ đầu năm 2015, Trường đã tập trung mọi nguồn lực mở các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử dành cho Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, đào tạo Thẩm phán chuyên biệt hội nhập quốc tế; đào tạo Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính để tăng cường cho Tòa án các cấp, nhất là Tòa án cấp cao; đào tạo Thư ký cho các Tòa án địa phương. Trường Cán bộ Tòa án còn tổ chức bồi dưỡng định kỳ cho Thẩm phán sơ cấp; bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý Tòa án cấp tỉnh và quân khu; bồi dưỡng trực tiếp cho Hội thẩm nhân dân các địa phương.

Thành lập Học viện Tòa án: Chủ động nguồn nhân lực có chất lượng cao

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khai giảng khóa bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý TAND cấp tỉnh và quân khu

Chương trình, giáo trình đào tạo đều xây dựng theo yêu cầu cụ thể của từng chức danh, được thông qua Hội đồng Trường cán bộ Tòa án (do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch) và được các Thẩm phán có kinh nghiệm, các chuyên gia, nhà khoa học có học vị thực hiện. Các chương trình đào tạo của TANDTC theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, kiểm định theo đúng quy định để thành giáo trình giảng dạy lâu dài; có chương trình hướng đến xây dựng thành chứng chỉ liên thông (như chương trình đào tạo Thẩm phán chuyên biệt hội nhập quốc tế có thể liên thông với chương trình đào tạo Thẩm phán cao cấp). Cùng với đó, TANDTC mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với các cơ sở đào tạo Tòa án các nước Canada, Pháp, Nga, Ucraina, Úc, Nhật Bản... để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Ngoài việc tổ chức đón tiếp và làm việc với các đối tác nước ngoài, TANDTC còn tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ trực tiếp với các chuyên gia và mời chuyên gia trực tiếp tham gia giảng dạy tại Trường Cán bộ Tòa án.

Đầu tháng 8/2015, Trường Cán bộ Tòa án đã được Chính phủ ra quyết định thành lập Học viện Tòa án với tổng diện tích 5ha, quy mô xây dựng gồm: Các tòa nhà làm việc, hội trường, giảng đường, phòng diễn án, thư viện, khu ký túc xá, nhà ăn, nhà thể chất, kho tàng... Về đội ngũ giảng viên, Học viện có giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức được Chánh án TANDTC bổ nhiệm gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ đều là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín và Thẩm phán giàu kinh nghiệm của TAND các cấp. Học viện Tòa án là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành Tòa án; đào tạo nghề cho các chức danh Tòa án để họ thực sự là những người “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Ngoài ra, Học viện cũng phấn đấu là Trung tâm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tư pháp có tầm cỡ trong nước và khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cũng như hội nhập quốc tế.

Trần Minh Giang