TAND tỉnh Đồng Nai: Chú trọng công tác xét xử người chưa thành niên phạm tội
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 06:30, 11/05/2015
Nhận thức được ảnh hưởng của hoạt động xét xử đối với đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong những năm qua, các đơn vị của TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai đã đặc biệt chú trọng đối với công tác xét xử người chưa thành niên phạm tội.
Trong những năm vừa qua, tình hình tội phạm nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không tăng hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là do các cấp chính quyền địa phương hết sức quan tâm công tác thanh thiếu niên của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương, các cơ quan, ban, ngành và đoàn thể của tỉnh phối hợp tăng cường tuyên truyền giáo dục, mặt khác công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm (trong đó có tội phạm vị thành niên) cũng luôn được quan tâm, chú trọng, do đó đã hạn chế tình hình tội phạm phát sinh tăng trong những năm gần đây.
Cụ thể, trong 3 năm (tính từ 1/10/2011 đến 30/9/2014), TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai thụ lý 7.908 vụ với 14.131 bị cáo, đã giải quyết 7.870 vụ với 13.956 bị cáo (trong đó xét xử 7.341 vụ với 12.782 bị cáo). Trong số 7.341 vụ/12.782 bị cáo đã xét xử có 536 vụ với 717 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, chiếm tỷ lệ 5,60% trên tổng số bị cáo đã xét xử.
Một phiên xét xử bị cáo là người chưa thành niên phạm tội của Tòa án tỉnh Đồng Nai
Đồng thời, với việc tăng cường đưa các phiên tòa ra xét xử lưu động tại địa bàn xảy ra vụ án, TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai đã góp phần tuyên truyền pháp luật và răn đe phòng ngừa tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Bên cạnh đó, tại các báo cáo phục vụ các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tòa án tỉnh Đồng Nai luôn có đánh giá, phân tích về tình hình tội phạm, từ đó có những kiến nghị giúp cho các ngành chức năng ở địa phương có những giải pháp kịp thời trong công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.
Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người chưa thành niên phạm tội, nhưng mấu chốt của tội phạm vị thành niên chính là thiếu sự quan tâm giáo dục từ gia đình và nhà trường. Nhiều bậc phụ huynh đã quá nuông chiều con cái, không nghiêm khắc hoặc chưa dành thời gian hợp lý cho việc dạy bảo khiến trẻ có tâm lý ỷ lại, nhận thức, hành động sai lầm, coi thường pháp luật và dẫn đến phạm pháp. Mặt khác, khuynh hướng, lối sống chạy theo đồng tiền, tôn sùng tiện nghi vật chất; tuyệt đối hóa con người cá nhân; sống dối trá, hai mặt, bất chấp đạo lý của không ít người lớn khiến trẻ mất phương hướng, niềm tin. Ngoài ra, tình trạng tiêu cực, tệ nạn trong xã hội nhiều cộng thêm sự quản lý lơi lỏng giáo dục trong nhà trường.
Đó là những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên dễ dàng bị tiêm nhiễm, lao vào những thói xấu và ngày càng trở nên vô cảm, lạnh lùng, thậm chí tàn ác. Những đứa trẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đa số đều do bị gia đình, xã hội “bỏ rơi”, dù vẻ ngoài non nớt, hiền lành nhưng suy nghĩ, hành động của chúng lại khó có thể lường trước được.
Nắm bắt được thực tế ấy, Tòa án hai cấp tỉnh Đồng Nai thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đối với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân khi xét xử đối với bị cáo là người chưa thành niên phạm tội. Các Thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử đều cố gắng hết mình trong việc trau dồi kiến thức về tâm sinh lý người chưa thành niên, đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để có thể áp dụng đúng hình phạt, biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên như chính sách hình sự của Nhà nước đã quy định. Do đó, các vụ án có các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội được Tòa án hai cấp tỉnh Đồng Nai xét xử trong những năm qua luôn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.