TAND 2 cấp TP. Hà Nội: Xét xử nghiêm minh các vụ án ma túy, góp phần hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thi đua
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 14:00, 25/04/2015
Mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn thiếu về biên chế, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TANDTC, Thành ủy, UBND, HĐND TP. Hà Nội và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương nên những bản án, quyết định mà TAND hai cấp TP. Hà Nội đã tuyên đối với các bị cáo phạm tội ma tuý, được nhân dân đồng tình, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hà Nội là Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh kế, văn hóa, giáo dục của cả nước. Trong những năm qua, tình hình tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Tội phạm ma túy triệt để lợi dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để phục vụ hoạt động phạm tội; các hình thức mua bán, vận chuyển ngày càng tinh vi với nhiều loại ma túy tổng hợp mới; các đối tượng phạm tội có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng.
Với địa bàn rộng, dân số đông, số lượng án ma túy thuộc thẩm quyền giải quyết không có chiều hướng giảm, để làm tốt nhiệm vụ được giao, TAND hai cấp TP. Hà Nội đã tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tập huấn cho Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân về chuyên môn, cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn đường lối xét xử. Đối với mỗi vụ án ma túy, các Thẩm phán, Hội thẩm đều nghiên cứu kỹ hồ sơ, trao đổi nghiệp vụ giữa các đồng nghiệp để tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Những vụ án ma túy phức tạp, các vụ án được dư luận quan tâm đều được giao cho các Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm giải quyết; trong xét xử, mọi khâu đều được chuẩn bị chu đáo nên hạn chế mức thấp nhất việc hoãn phiên toà. Có những vụ án lớn, các Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phải nghiên cứu hồ sơ nhiều tháng, làm thêm vào ngày nghỉ để đưa ra xét xử kịp thời theo quy định của pháp luật, đồng thời đúc rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa xét xử.
TAND TP. Hà Nội xét xử vụ án trọng điểm về mua bán, vận chuyển ma túy
Thời gian qua, TAND hai cấp TP. Hà Nội đã đưa các vụ án ma túy lớn ra xét xử kịp thời, như vụ án Phạm Quang Toàn và đồng phạm mua bán trái phép heroin; vụ án Nguyễn Bá Thủy và đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy ở nhiều tỉnh với số lượng 2.876,814 gam ma túy tổng hợp. Ngoài xét xử tại trụ sở, các Tòa án còn đẩy mạnh xét xử lưu động các vụ án ma tuý; năm 2014 đã xét xử lưu động 5.208 vụ/5.820 bị cáo (vượt chỉ tiêu được giao 18%) tại địa bàn các xã, phường, thị trấn xảy ra tội phạm, nơi bị cáo cư trú hoặc là tụ điểm về tệ nạn ma túy. Việc xét xử loại tội phạm này có tác dụng trừng trị người phạm tội và răn đe, giáo dục, tuyên truyên pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân.
Tuy đã đạt được những thành tích trong công tác giải quyết các vụ án ma túy, nhưng qua thực tiễn xét xử, TAND hai cấp TP. Hà Nội nhận thấy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ các quy định của BLHS hiện hành cũng như các văn bản hướng dẫn đã gây khó khăn cho Tòa án khi xét xử các vụ án về ma túy. Cụ thể là tại Điều 194 BLHS quy định gộp các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy trong cùng một điều luật là không phù hợp. Bởi lẽ, trong cùng một vụ án thì người thực hiện hành vi mua bán trái phép ma túy có vị trí và vai trò khác hoàn toàn với người có hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy, nhưng khi áp dụng hình phạt đối với những người thực hiện các hành vi phạm tội này lại giống nhau.
Ngoài ra, tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 BLHS năm 1999 mới chỉ hướng dẫn đường lối xử lý đối với hành vi phạm tội theo khoản 4 Điều 194 BLHS, còn các khoản khác chưa được hướng dẫn cụ thể nên trong thực tế một số vụ án xét xử còn áp dụng đường lối không thống nhất. Mặt khác, trong vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, nếu bị cáo phạm tội trong một vụ án đơn lẻ, với vai trò độc lập có thể phải chịu hình phạt là tử hình hoặc tù chung thân. Nhưng cũng với lượng ma tuý như vậy, thậm chí nhiều hơn, nếu bị cáo phạm tội trong một vụ án có đông bị cáo tham gia và vai trò của bị cáo thấp hơn so với những bị cáo khác thì có thể không bị áp dụng hình phạt trên. Như vậy là cùng một loại hành vi, tính chất, mức độ phạm tội nhưng trách nhiệm hình sự của các bị cáo lại khác nhau, trong khi hành vi phạm tội có tổ chức bao giờ cũng nguy hiểm hơn hành vi phạm tội đơn lẻ, đây cũng là bất cập trong thực tiễn hiện nay. Nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, TAND TP. Hà Nội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung các vấn đề nêu trên trong quá trình sửa đổi BLHS (hiện đang được tiến hành) để TAND các cấp xét xử án về ma túy được thuận lợi, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm.