Phó Chánh án TAND huyện A Lưới Hồ Văn Nhàn: Thẩm phán luôn hết lòng vì công việc
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 11:16, 15/01/2015
Đặc biệt, vốn là người dân tộc thiểu số nên anh luôn trăn trở: Làm thế nào để qua công tác xét xử, đồng bào mình hiểu và nâng cao được ý thức pháp luật?
Thẩm phán Hồ Văn Nhàn là người dân tộc Tà Ôi nên anh hiểu rõ người dân tộc nơi anh sinh sống không am hiểu về pháp luật. Dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhưng bằng nghị lực và ý chí của mình, anh đã thi đậu vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Anh chia sẻ: Suốt 4 năm học đại học (1993-1996), gia đình anh rất khó khăn nên không thể tài trợ cho anh đi học, anh sống dựa vào 70.000 đồng/tháng tiền học bổng dành cho người miền núi và đi làm thêm để kiếm tiền ăn học. Trải qua bao khó khăn, vất vả, cuối cùng anh cũng cầm được tấm bằng cử nhân luật trên tay.
Tháng 6/1997, anh Nhàn có quyết định làm thư ký tại TAND huyện A Lưới. Đến tháng 3/1999, anh thực hiện nghĩa vụ quân sự, đi bộ đội tại Trung đoàn 176 đóng tại Phú Bài, Huế. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh có xuất đi học lớp sỹ quan quân đội nhưng vì đam mê, nhiệt huyết vào làm tại Tòa án, phục vụ cho đồng bào dân tộc nên anh trở lại với công việc thư ký Tòa án (tháng 4/2001). Chỉ chưa đầy hai năm, anh được bổ nhiệm làm Thẩm phán (tháng 2/2002). Với nỗ lực không ngừng, luôn phấn đấu trong công việc, Thẩm phán Hồ Văn Nhàn đã được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND huyện A lưới (tháng 11/2008).
Phó Chánh án TAND huyện A Lưới Hồ Văn Nhàn
Chia sẻ về công việc, Thẩm phán Hồ Văn Nhàn kể cho chúng tôi nghe về một vụ án, khiến anh nhiều đêm liền trăn trở, không thể ngủ được. Đó là vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Trong vụ án này, bị cáo Lê Ngọc Thập là người dân tộc Pa-cô, điều khiển xe mô tô chở ba người, không có giấy phép lái xe và đâm chết người. Tuy nhiên, bị cáo cũng bị gãy chân, teo cơ không thể đi lại được, khi đến phiên tòa phải có người khiêng. Tại phiên tòa, bị cáo không thể ngồi được, phải nằm xuống chiếc ghế băng dài. Bị cáo đã rơi vào hoàn cảnh như vậy, việc thi hành án phạt tù là rất khó khăn. Hơn nữa, trong vụ án này, tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhà thì tranh tre nứa lá, rách nát, không có một vật dụng gì có giá trị, nhưng gia đình bị cáo vẫn cố chạy vạy vay mượn khắp nơi để bồi thường cho bị hại. Lẽ ra, bị cáo phải bị xử tù giam nhưng khi nghị án, Thẩm phán Nhàn và các Hội thẩm nhân dân đã quyết định cho bị cáo được hưởng án treo. Sau đó, VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế kháng nghị, khi VKS về nhà bị cáo để điều tra lại, thấy hoàn cảnh đúng như vậy nên đã rút kháng nghị tại phiên tòa phúc thẩm.
Xuất phát từ tình hình cơ quan, anh Nhàn được phân công kiêm nhiệm nhiệm vụ văn phòng, thống kê báo cáo. Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, soạn thảo các báo cáo công tác Tòa án tại kỳ họp HĐND huyện, báo cáo tham gia ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức TAND. Các báo cáo công tác tháng, báo cáo tình hình phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổng kết thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động. Các văn bản soạn thảo đảm bảo thời gian, có nhiều giải pháp đề xuất được ghi nhận…
Ông Hồ Văn Vĩnh, Chánh án TAND huyện A Lưới đánh giá: Thẩm phán Nhàn luôn tìm tòi, cải tiến cách thức, phương pháp và lề lối làm việc để thực hiện công việc có chất lượng, hiệu quả, đúng trọng tâm, đúng quy định và có chất lượng nên thời hạn giải quyết vụ án được nhanh hơn.
“Điều quan trọng nhất là thông qua quá trình hòa giải, xét xử, mình phải góp phần làm cho người dân hiểu hơn, nâng cao ý thức và chấp hành pháp luật tốt hơn”, Thẩm phán Nhàn chia sẻ. Với ý thức đó, hồ sơ vụ việc được giao, anh luôn sắp xếp gọn gàng, đúng trình tự, đồng thời luôn cố gắng bố trí thời gian làm việc phù hợp để tiết kiệm thời gian đi lại của người dân miền núi. Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, anh Nhàn luôn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, được UBND huyện A Lưới công nhận Đơn vị đạt chuẩn cơ quan văn hóa đợt II.