TAND quận 7, TP.HCM: “Dân vận khéo” - một cách làm đột phá để hoàn thành chỉ tiêu thi đua

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 06:23, 24/11/2014

Nói đến “dân vận”, thoạt nghe tưởng như không liên quan đến các hoạt động xét xử của Toà án...

Thế nhưng, mô hình “Dân vận khéo” với chủ đề “Nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trong công tác xét xử, kéo giảm tỷ lệ đơn thư khiếu nại” của TAND quận 7, TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng lại là cách làm hiệu quả trong việc hoàn thành chỉ tiêu công tác chuyên môn.

TAND quận 7, hiện tại có 32 cán bộ, công chức, trong đó có 22 đảng viên (12 Thẩm phán). Do đặc điểm tình hình tội phạm, các tranh chấp dân sự trên địa bàn ngày càng gia tăng, tính chất ngày một phức tạp, hàng năm, TAND quận 7 giải quyết trung bình trên 1.500 vụ án các loại, trong đó, số lượng chiếm phần lớn là các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại. Chỉ tính trong năm 2014, đơn vị đã thụ lý 1.537 vụ án thì các vụ án về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại là 1.125 vụ, chiếm tỷ lệ 73,1%.

Xuất phát từ thực trạng nhiều năm trước đây, tỷ lệ giải quyết các vụ án chưa có sự đột biến trong thực hiện chỉ tiêu thi đua đề ra; tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với vụ án hình sự, tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự còn nhiều; thủ tục hành chính, tư pháp chưa được đổi mới, người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết đơn kiện, tỷ lệ khiếu nại đối với các quyết định của Toà án gia tăng, kéo theo còn có hiện tượng án tồn đọng hoặc giải quyết kéo dài.

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, lãnh đạo TAND quận 7 xác định: Để giải quyết dứt điểm các vụ án, trước hết phải nâng cao chất lượng xét xử, đồng thời vận dụng tốt tinh thần cải cách tư pháp tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài; Toà án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Do đó, đơn vị đã mạnh dạn chỉ đạo xây dựng mô hình “Dân vận khéo” và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong năm 2014 và làm nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Đây là một sáng kiến trong cải tiến lề lối làm việc, mang lại hiệu quả nên được lãnh đạo TAND TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Quận ủy quận 7 rất quan tâm, đánh giá cao và được UBND TP. Hồ Chí Minh lựa chọn báo cáo điển hình. Mô hình “Dân vận khéo” được đơn vị triển khai tập trung vào các mục tiêu:

TAND quận 7, TP.HCM: “Dân vận khéo” - một cách làm đột phá để hoàn thành chỉ tiêu thi đua

Tập thể cán bộ công, chức TAND quận 7

Thứ nhất, “Nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến làm việc tại TAND quận 7”, là xây dựng niềm tin của người dân vào các cơ quan pháp luật nói chung và TAND nói riêng, cán bộ công chức của đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong giải quyết các vụ, việc được giao đúng quy định của pháp luật, giảm thiểu tối đa các vụ án kháng cáo, kháng nghị lên Toà án cấp trên. Thái độ tiếp xúc, ứng xử với nhân dân phải tuân thủ nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Tòa án, nhiệt tình, trách nhiệm giải quyết nhanh chóng các yêu cầu, không gây phiền nhiễu cho nhân dân, thực hiện đúng nguyên tắc “Đúng hạn, đúng hẹn, tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân”. Triển khai hộp thư góp ý của nhân dân để tiếp thu, chấn chỉnh những mặt hạn chế của cán bộ, công chức.

Thứ hai, “Nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trong việc giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hôn nhân gia đình theo quy định của pháp luật”, là đẩy mạnh việc đưa tỷ lệ hòa giải thành trong quá trình giải quyết các vụ việc vào trong chỉ tiêu thi đua của đơn vị để giải quyết dứt điểm các tranh chấp, giảm thiểu tối đa những bức xúc, khiếu kiện kéo dài, giữ vững sự ổn định an ninh, chính trị tại địa phương. Biện pháp thực hiện là yêu cầu cán bộ, công chức, Thẩm phán TAND quận 7 phải có thái độ tận tâm, tận lực, trách nhiệm với công việc được giao, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để kiên trì hòa giải, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trong các vụ án được phân công giải quyết. Trong đó có việc đánh giá mức độ hoàn thành của từng công chức, đảng viên thông qua sinh hoạt Chi bộ hàng tháng. Đây cũng là một trong những tiêu chí, thước đo đánh giá sự hài lòng của nguời dân đối với từng Thẩm phán khi thực hiện công vụ.

Thứ ba, “Kéo giảm số luợng đơn thư khiếu nại”: Xuất phát từ kết quả giải quyết khiếu nại tại Tòa án nhân dân Quận 7 trong những năm qua cho thấy, sở dĩ tình trạng đơn thư khiếu nại của người dân không giảm, một phần là do họ chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, bên cạnh đó, một phần là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm trong thực thi công vụ, khi giải quyết công việc của dân. Do đó, đơn vị đưa ra chỉ tiêu thi đua kéo giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo và gắn vào việc bình xét thi đua qua mỗi đợt thi đua là nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức khi giải quyết trong từng vụ việc, nhất là đội ngũ Thẩm phán.

Sau một năm triển khai và thực hiện, mô hình “Dân vận khéo” tại TAND quận 7 bước đầu đã phát huy tốt hiệu quả. Năm 2014, đơn vị giải quyết đạt tỷ lệ 98% các vụ án đã thụ lý, không có án oan sai, án quá hạn xét xử theo luật định. Đặc biệt, đơn vị đã nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trong giải quyết các vụ án (dân sự 16,29%; lao động 4,95%; kinh doanh, thương mại 22,2%). Tỷ lệ đơn thư khiếu nại giảm 20% so với năm 2013.

Ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND quận 7 chia sẻ: Các nhiệm vụ mà TAND quận 7 đang thực hiện là những công việc chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên, hàng ngày mà đơn vị Toà án nào cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, xuất phát từ những tồn tại của đơn vị, lãnh đạo TAND quận 7 đã nắm bắt được để tìm giải pháp khắc phục, đưa lên thành chỉ tiêu thi đua, lồng ghép vào các phong trào thi đua và được tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức đoàn kết, thống nhất thực hiện nên đã khắc phục được các tồn tại, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thi đua năm 2014. Đơn vị đã đề nghị cấp trên công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc” và tặng Cờ thi đua TAND.

Kiều Thuỳ