Bộ trưởng Bộ Công an giải trình thêm một số nội dung của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 16:27, 21/10/2020
Thảo luận về Luật Cư trú (sửa đổi) sáng nay 21/10, nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tránh được việc làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm luật mới có hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình một số nội dung Luật Cư trú (sửa đổi)
Ở những nơi đã hoàn thành việc kết nối liên thông, khai thác, sử dụng chung Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, có ý kiến vẫn còn lo ngại rằng thời điểm 31/12/2022 có thể vẫn chưa bảo đảm để hoàn tất việc kết nối liên thông, chuyển đổi số đối với quản lý thông tin về cư trú trong toàn xã hội, nên cần kéo dài hơn nữa thời hạn này.
Trước đó, do ý kiến còn khác nhau nên UBTVQH đã thiết kế nội dung này thành 2 phương án tương ứng với 2 loại ý kiến nêu trêntại khoản 3 Điều 38 của dự thảo luật để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Phần giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề xuất không có quy định về chuyển tiếp khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực.
Theo đó, việc sửa đổi Luật Cư trú hướng đến 3 mục tiêu: đảm bảo yêu cầu để không cản trở quyền tự do cư trú của công dân; xác định vị trí pháp lý cho công dân trên lãnh thổ Việt Nam, để thực hiện các giao dịch và phục vụ cuộc sống; việc quản lý cư trú của các cơ quan nhà nước không được làm phiền hà, phức tạp, để tạo điều kiện cho người dân.
Về vấn đề chuyển tiếp khi Luật có hiệu lực, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo đề nghị phương án: Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021; không có quy định về chuyển tiếp, cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Phương án này, cơ quan soạn thảo đã đối chiếu với năng lực hoạt động và thực tiễn.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, bỏ sổ hộ khẩu giấy là điều mong ước của người dân. Sổ hộ khẩu còn có rất nhiều điều khoản, quy định khác liên quan đi theo. Do đó, những quy định phương thức quản lý thay đổi thì cả hệ thống phải thay đổi chứ không phải chỉ Sổ hộ khẩu. Đồng thời, các quy định về triển khai căn cước công dân cũng có hiệu lực từ 1/7/2021.
Đến nay, hơn 90% dữ liệu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã thu thập xong, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống. Mục đích là đến ngày 1/7/2021, các phương thức quản lý liên quan đến Sổ hộ khẩu, căn cước công dân triển khai đồng bộ. Bộ Công an đã có lộ trình, bước đi và mạnh dạn đề xuất triển khai ngay, không có quy định về chuyển tiếp khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng dựa trên các cơ sở này, nếu Quốc hội giới hạn thời gian có hiệu lực như vậy thì bắt buộc các bộ ngành phải phối hợp để thực hiện hoàn thành.
Liên quan đến quy định, các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.
Các ý kiến cho rằng quy định như vậy không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở…
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, điều khoản quy định 8m2/người ở là để đăng ký đối với những ngườ xin ở nhờ để đăng ký thường trú với chủ hộ; còn với chủ hộ thì không thể quy định bao nhiêu mét vuông mới hình thành một hộ, được đăng ký tạm trú ở đấy. Vì những nơi như phố cổ Hà Nội, căn hộ chỉ trên 20m2 có 5-7 người ở, gồm cả gia đình bố, mẹ con cái.. Nếu những gia đình như vậy mà có thêm người ở nhờ và xin đăng ký thường trú thêm mà không phải là vợ, chồng, con,…thì mới không được, vì không đảm bảo diện tích nhà ở.
Hoặc tại Điều 14 đự thảo luật quy định “Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan”. Có thể có ý kiến cho rằng quy định như vậy là thừa nhưng trên thực tế, có những trường hợp vợ, chồng đã ly thân, ly hôn rồi, nhưng gia đình nhà chồng không cho chuyển hộ khẩu trở về nhà cũ. Vì vậy quy định này đặt ra để giải quyết những trường hợp như vậy, Bộ trưởng cho biết và khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến của các ĐBQH góp ý và xem xét từng trường hợp cụ thể để hoàn chỉnh dự luật này, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, với 21 ý kiến của ĐB và 4 ĐB tranh luận, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan trình đã có báo cáo làm rõ thêm một số nội dung của dự án Luật.
Nhìn chung ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý. Đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các ĐBQH, ý kiến giải trình, tiếp thu của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an thấy rằng, đa số ĐBQH tán thành không qui định điều kiện riêng để đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc Trung ương, cũng như không cần ý kiến đồng ý của người có nhà ở cho thuê/mượn/ở nhờ khi đăng ký tạm trú.
UBTVQH sẽ làm phiếu xin ý kiến ĐBQH về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét.