Đề nghị tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đến ngày 31/12/2022
Chính trị - Ngày đăng : 13:48, 21/10/2020
So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại kỳ họp này đã được tiếp thu, chỉnh lý 42 Điều, trong đó tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, đáng chú ý là nội dung quy định liên quan đến xóa bỏ sổ hộ khẩu và đăng ký thường trú.
Nên tiếp tục dùng sổ hộ khẩu đến năm 2022
Qua thảo luận, đa số các ý kiến đều khẳng định tán thành đổi mới hình thức quản lý dân cư từ sổ giấy sang hình thức quản lý điện tử (thông qua CSDL quốc gia về dân và CSDL về cư trú). Tuy nhiên, một số ĐB băn khoăn về tính khả thi trong điều kiện hiện nay.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH Quảng Bình
Theo ĐB Trần Thị Dung- Điện Biên, trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng do Covid-19, việc dành nguồn lực hoàn thiện nhanh hai CSDL và đầu tư hạ tầng kết nối các cơ quan trên toàn trước 1/7/2021 là khó khăn. Vì thực tế khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính, các giao dịch của người dân, như đăng ký nhập học, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, điện, nước, viễn thông… việc bảo đảm kết nối liên thông giữa Bộ, ngành, địa phương với hai CSDL vẫn đang triển khai, chưa hoàn thiện thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người dân.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình cũng cho rằng, để tránh phiền hà, bảo vệ quyền lợi người dân cần có giai đoạn chuyển tiếp, nghĩa là cho phép tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu/sổ tạm trú tiếp tục đến ngày 31/12/2022.
ĐB Phạm Văn Hòa -Đồng Tháp cho rằng, để không gây phiền hà cho người dân thì nên kéo dài thêm 2 năm (đến 31/12/2022). Vì cơ quan Công an có thể đảm bảo không yêu cầu thêm giấy tờ chứng minh nơi cư trú khi bỏ sổ hộ khẩu ngay khi Luật có hiệu lực (1/7/2021), nhưng các cơ quan, tổ chức khác có thể vẫn yêu cầu.
Một số ĐB cũng cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu/tạm trú ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân. Nếu luật ban hành mà gặp khó khăn khi thi hành, cần sửa đổi thì cũng không thể tiến hành ngay được vì phải theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL nên cần đánh giá, cân nhắc toàn diện qui định về hiệu lực của sổ hộ khẩu/sổ tạm trú để tránh việc gây khó khăn cho người dân.
Vì vậy, nhiều ĐB khẳng định đồng ý Phương án 1 do UBTVQH trình Quốc hội , theo đó, kể từ ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Thuê nhà được đăng ký thường trú không?
Một vấn đề nữa mà các ĐB quan tâm là quy định về nơi cư trú và quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú (Điều19).
Một số ý kiến đề nghị cần có quy định để quản lý những người không có nơi cư trú ổn định; bổ sung quy định để đăng ký, quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do, nhất là đối với người dân tộc thiểu số du canh, du cư ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.
UBTVQH cho rằng, trên thực tế vẫn có những người không có nơi cư trú ổn định, nhất là nhữngngười dân di cư tự do, sinh sống trong các vùng lõi, vùng đệm của rừng đặc dụng, rừng tự nhiên ở khu vực Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc; trong số họ có nhiều người không có giấy tờ nhân thân hoặc tài liệu chứng minh có chỗ ở hợp pháp nên không đủ điều kiện để thực hiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống cũng như khi quay trở về nguyên quán.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/2020/NQ-CP ngày 01/3/2020 về ổn định dân di cư tự do,… phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch, hoàn thành việc đăng ký hộ tịch, cư trú cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp
Về điều kiện đăng ký thường trú, dự thảo luật quy định công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
Vậy trường hợp công dân phải thuê mượn nhà có được đăng ký thường trú hay không?
Nhiều ý kiến tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.
Một số ý kiến khác đề nghị không nên quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở.
ĐB Hà Thị Lan - Bắc Giang không tán thành quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở nên ĐB đề nghị sử dụng điều kiện đăng ký tạm trú 1 năm để đăng ký thường trú.
Còn ĐB Phạm Trí Thức - Thanh Hóa thì cho rằng, quy định về diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú không thấp hơn 08m2/người là chiến lược, mục tiêu hướng tới, chứ chưa có tổng kết thực tiễn. Con số này khó đạt được ở nhiều nơi như ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), diện tích bình quân cũng không đến 4m2/người thì qui định như dự thảo Luật là không thực hiện được trên thực tế.
Vì vậy, nhiều ĐB đồng quan điểm và đề nghị lựa chọn tiêu chí là có thời gian tạm trú từ 01 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú.
ĐB Lê Quang Trí - Tiền Giang đề nghị quy định điều kiện đăng ký thường trú bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu và đã đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên trên địa bàn để "siết" việc đăng ký thường trú, góp phần giảm áp lực an sinh xã hội cho địa phương.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, đa số ĐBQH tán thành không qui định điều kiện riêng để đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc Trung ương, cũng như không cần ý kiến đồng ý của người có nhà ở cho thuê/mượn/ở nhờ khi đăng ký tạm trú.
UBTVQH sẽ làm phiếu xin ý kiến ĐBQH về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét.