Chương trình Tiếng Anh tăng cường tại Nghệ An còn nhiều bất cập

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 10:04, 14/10/2020

Đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được thông qua và triển khai. Tuy thời gian thực hiện chưa lâu nhưng đã có nhiều vấn đề được đặt ra.

Theo đó, xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2018 – 2019, UBND tỉnh Nghệ An cho phép 12 trường gồm: Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Hà Huy Tập, THPT Cửa Lò 2, THCS Đặng Thai Mai, THCS Hà Huy Tập, THCS Hưng Dũng, THCS Trung Đô, THCS Quang Trung, Tiểu học Lê Mao, Tiểu học Trung Đô, Tiểu học Hồng Sơn và Tiểu học Nguyễn Trãi được triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường.

Năm học 2019- 2020, chương trình tiếp tục được triển khai, nhưng chỉ được thực hiện trong học kỳ 1. Bước sang học kỳ 2, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19 nên chương trình gần như phải dừng lại.

Năm học 2020 – 2021 này chương trình được mở rộng thêm một số trường học. Như ở bậc tiểu học mở rộng thêm trường tiểu học Đội Cung, tiểu học Nghi Phú 2 và tiểu học Vinh Tân. Ở bậc THCS mở rộng thêm một số trường như Lê Lợi, Hưng Bình, Hồng Sơn.

Việc tổ chức được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Mức học phí thỏa thuận theo từng trường. Năm nay, ở bậc tiểu học thu học phí thỏa thuận ở mức 20.000 đồng/ tiết/ học sinh; ở bậc THCS giao động hơn kém 35.000 đồng/ tiết/ học sinh. Trong đó, 20% số tiền học phí sẽ được để lại cho nhà trường để phục vụ công tác quản lý lớp học của giáo viên chủ nhiệm, quản lý của ban giám hiệu, chi phí khấu hao cơ sở vật chất, chi phí điện nước...

Chương trình Tiếng Anh tăng cường tại Nghệ An còn nhiều bất cập

Trường tiểu học Hà Huy Tập 2, một trong những ngôi trường đang dạy tiếng anh tăng cường.

Chị H – phụ huynh học sinh tại trường tiểu học Trung Đô cho biết: "Với mong muốn cho con được học tiếng Anh nên tôi đã đăng ký cho con học lớp tiếng Anh tăng cường. Tuy nhiên, bản thân tôi thấy chương trình học khá nặng so với tuổi cháu, lớp học lại đông nên tôi băn khoăn không biết các cháu có học được nhiều như mong đợi của bố mẹ không?".

Tiếp cận với bản hợp đồng giảng dạy tiếng Anh toán và tiếng Anh tăng cường giữa Chi nhánh Công ty CP giáo dục và du học Quốc tế Việt Úc- Trung tâm ngoại ngữ Việt Úc 3 (địa chỉ tại số 66 Trường Chinh, phường Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An) - đơn vị hiện đang ký hợp đồng với các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay, thực sự có nhiều vấn đề đáng quan ngại.

Theo hợp đồng ký của năm học 2019 – 2020 ở các trường tiểu học. Phần quan trọng của hợp đồng này là, giữa nhà trường và trung tâm cùng cam kết phối hợp chặt chẽ để đạt chất lượng đầu ra của học sinh tiểu học sau ít nhất 2 năm hợp tác với nhà trường sẽ phấn đấu 100% học sinh cuối lớp 3 đạt cấp độ STARTERS và 100% học sinh cuối lớp 5 đạt cấp độ MOVERS (trừ những học sinh có trường hợp đặc biệt về sức khỏe như tăng động, tự kỷ...).

Trao đổi về vấn đề này, cô Vân – Hiệu phó trường tiểu học Trung Đô, đồng thời là một giáo viên cốt cán của ngành giáo dục thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung cho biết: “Với điều kiện học như hiện nay về số lượng học sinh, thời gian học và chương trình học thì thực sự rất khó để đạt được như cam kết chất lượng đã ký”.

Trong hợp đồng của năm học 2020 – 2021, phần cam kết chất lượng được sửa lại thành nhà trường và trung tâm cùng cam kết phối hợp chặt chẽ để từ 80% trở lên học sinh tiểu học được học tiếng Anh tăng cường đạt chất lượng đầu ra chuẩn A1 trở lên sau khi theo học 5 năm liên tục (trừ những học sinh có trường hợp đặc biệt về sức khỏe như tăng động, tự kỷ...).

Chương trình Tiếng Anh tăng cường tại Nghệ An còn nhiều bất cập

Chương trình Tiếng Anh tăng cường tại Nghệ An còn nhiều bất cập

Một phần hợp đồng giữa trung tâm và trường tiểu học Trung Đô năm học 2020 – 2021.

Khi PV đặt câu hỏi cho cô Hiền – giáo viên dạy tiếng Anh tại trường tiểu học Hà Huy Tập 2, về hy vọng của cam kết trong hợp đồng này liệu có thực hiện được? Cô Hiền chia sẻ: “Tiếng Anh tăng cường hiện nay là tiếng Anh khoa học, tiếng Anh trên nền toán, nên để đạt được chứng chỉ chuẩn A1 đầu ra, tức là chứng chỉ quốc tế gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì thực sự rất là khó”.

Cô Trần Thị Mận – Hiệu trưởng trường tiểu học Hà Huy Tập 2 cho biết thêm: "Chúng tôi cho phụ huynh đăng ký tự nguyện, đồng thời cũng thăm lớp dự giờ thường xuyên. Nhưng chúng tôi mong muốn có thêm một số trung tâm được cấp trên giới thiệu để có thêm sự lựa chọn. Hiện nay, chỉ giới thiệu một trung tâm Việt Úc thì chúng tôi chỉ biết ký hợp đồng với trung tâm này thôi".

Tiếp đó, PV đã có buổi làm việc với bà Đậu Thị Huệ - Giám đốc Chi nhánh Công ty CP giáo dục và du học Quốc tế Việt Úc- Trung tâm ngoại ngữ Việt Úc 3.

Khi được hỏi về vấn đề liệu chúng tôi có thể tin tưởng vào cam kết của trung tâm và nhà trường trong hai bản hợp đồng của 2 năm học đã nêu trên không? Bà Huệ cho biết: “Năm 2019 – 2020, cam kết đó là quá khó, thực sự không làm được như cam kết. Năm học này, chúng tôi chỉ cam kết chuẩn đầu ra là theo tiêu chuẩn Việt Nam với 6 cấp độ chứ không phải chuẩn Quốc tế. Việc hợp đồng như thế là do nhân viên đánh máy quên sửa lại hợp đồng?!".

Câu trả lời hoàn toàn trái ngược với bản hợp đồng được đóng dấu đỏ giữa nhà trường và trung tâm, phải chăng là hành động đánh lừa cả phụ huynh và học sinh, cũng như cả đề án của Sở Giáo dục đào tạo Nghệ An?.

Thiết nghĩ, chương trình đề án nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là đề án mang tính thiết thực và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có nhiều vấn đề bất cập, cần được khắc phục.

Hiền Mai