NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam ‘chơi lớn’ dát vàng lên 26 chiếc nón lá ở Lễ hội Áo dài
Văn hóa- Thể thao - Ngày đăng : 11:12, 11/10/2020
Tham gia lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2020, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã giới thiệu BST Áo dài Di sản Việt nổi tiếng của mình. Ngoài những chiếc áo dài, điểm nhấn của BST lần này chính là 26 chiếc nón lá được dát vàng từ các nghệ nhân nổi tiếng.
Vẻ đẹp của những chiếc áo dài sẽ được tôn thêm bởi nón lá, vật dụng quen thuộc của phụ nữ Việt Nam. Những chiếc nón lá lần này được NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam rất yêu thích khi hy vọng sẽ hòa quyện cùng áo dài tạo nên những bộ trang phục ấn tượng.
Chia sẻ với báo chí, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết anh sử dụng vàng để dát lên 26 chiếc nón lá với mục đích tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam bên cạnh những tà áo dài hay hình ảnh di sản trên những bộ trang phục.
Người đẹp Nam Em cùng chiếc nón lá dát vàng từng được trình diễn ở Úc của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Những chiếc nón lá dát vàng được thực hiện bởi các nghệ nhân của làng nghề Kiêu Kỵ để đảm bảo đột tinh xảo, tinh tế nhất. Đây cũng là làng nghề thường xuyên được NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam "gửi gắm" những ý tưởng của mình để những thiết kế thực sự độc đáo và ấn tượng.
BST Áo dài Di sản Việt được thực hiện dựa trên ý tưởng truyền tải vẻ đẹp của các Di sản Văn hoá, lịch sử, thiên nhiên Việt Nam đã được UNESCO và Nhà nước công nhận đưa lên Áo dài, góp phần để áo dài không chỉ đơn thuần là một trang phục truyền thống, một nét văn hóa đặc trưng của người Việt, mà còn vươn tầm, trở thành một đại sứ của văn hóa Việt Nam.
Di sản Nhã nhạc cung đình Huế trên thiết kế áo dài của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.
BST gồm 26 thiết kế áo dài, mang hình ảnh của 26 di sản tiêu biểu trên khắp đất nước, kết hợp với phụ kiện là chiếc nón lá dát vàng - hình ảnh gợi nhắc về nền văn hóa lúa nước ngàn đời của Việt Nam và được thực hiện bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.
Những di sản văn hóa, thiên nhiên được đưa vào các thiết kế áo dài có thể kể đến như: Tín ngưỡng Hùng Vương, Di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Di sản Ca trù, Cố đô Huế, Tràng An - Ninh Bình, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Chợ Bến Thành...
NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam từng được vinh danh "Nhà thiết kế áo dài của năm" tại Lễ hội Áo dài 2017.
Hình ảnh Nhà thờ lớn Sài Gòn trong BST Áo dài Di sản Việt
Trước đó, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam từng đem nón lá dát vàng sang Úc trình diễn thời trang theo lời mời của một tạp chí nổi tiếng. Hoa khôi Nam Em khi đó chính là người trình diễn với chiếc nón lá dát vàng.
Chia sẻ với báo giới về việc dát vàng lên nón lá, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ: “Thời trang là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, việc dát vàng lên chiếc nón lá quê hương tôi mong muốn đó là một điểm nhấn, một góc nhìn trân trọng về việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa có từ những vật gần gũi nhất nhưng được khoác lên mình vẻ đẹp của sự cách tân mà không làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống".
Hình ảnh Chùa Một Cột và hoa sen trên thiết kế của BST Áo dài Di sản Việt.
Hình ảnh Bưu điện Thành phố trên tà áo dài.
Di sản Hội An với hình ảnh chùa Cầu trong một mẫu thiết kế với gam màu trầm.
Hình ảnh Đờn ca tài tử Nam Bộ trên áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Hình ảnh tái hiện di sản Hoàng thành Thăng Long trên thiết kế áo dài.
Chiếc áo dài mang hình ảnh mô phỏng Di sản Cồng chiêng Tây Nguyên.
Di sản Ca trù trong một thiết kế áo dài sẽ trình diễn lần này với nón dát vàng.
Hình ảnh Khuê Văn Các của Văn Miếu được thể hiện tinh tế trong một chiếc áo dài.
Di sản Vịnh Hạ Long trong BST Áo dài Di sản Việt.