Hà Nội: Khánh thành cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long
Giao thông - Ngày đăng : 10:34, 11/10/2020
Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III thành phố Hà Nội do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao tổ chức thực hiện và quản lý; có điểm đầu tại Km0+130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch; điểm cuối tại Km5+497,72 phía Nam cầu Thăng Long. Tổng chiều dài dự án là 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn cao tốc 4,591km.
Các đại biểu cắt băng khánh thánh cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (ảnh CT)
Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỉ đồng (trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA là 20,591 tỉ Yên, tương đương 4.525 tỉ đồng và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 817 tỉ đồng).
Dự án do Bộ GTVT là chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao tổ chức thực hiện và quản lý dự án, có điểm đầu tại Km0+130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch; điểm cuối tại Km5+497,72 phía Nam cầu Thăng Long.
Phát lệnh thông xe dự án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những nỗ lực của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án và các đối tác Nhật Bản, hoàn thành công trình theo đúng tiến độ kế hoạch đặt ra. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT và TP. Hà Nội thực hiện tốt việc bàn giao dự án; khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại để đưa dự án vào khai thác hiệu quả.
Đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình chính của Dự án đã hoàn thành đáp ứng đủ các điều kiện để thông xe và đưa vào khai thác, sử dụng.
Tuyến đường bắt đầu đi vào sử dụng
Trong thời gian đưa vào khai thác, sử dụng, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long tiếp tục triển khai, tổ chức thi công hoàn chỉnh 6 nhánh Ram lên xuống tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Nam Thăng Long dự kiến hoàn thành vào quý II-2021; tiếp tục xây dựng 2 cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại.
Việc hoàn thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các khu vực này.