Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng chậm triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết

Chính trị - Ngày đăng : 18:42, 28/07/2014

Thủ tướng vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện NQ 75 của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 QH khóa XIII đối với việc triển khai thi hành Hiến pháp; công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL và kiểm soát thủ tục hành chính.

Theo Kế hoạch này, các Bộ, cơ quan liên quan phải tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Hiến pháp, pháp luật nhằm nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống. Tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, xác định các quy đinh trái Hiến pháp để đình chỉ thi hành, các quy định cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để cụ thể hóa Hiến pháp. Theo dõi, đôn đốc việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong các năm 2014 và 2015, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo Chương trình, Kế hoạch đã được phê duyệt.

Về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức rà soát tất cả các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhằm giảm số văn bản nợ đọng. Trước 15/8/2014, phải xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 về tình hình triển khai Nghị quyết số 67 về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 20 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tình trạng chậm triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan thường xuyên nâng cao chất lượng công tác thẩm định và công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động thủ tục hành chính và thẩm định chặt chẽ các thủ tục hành chính này trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành những thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý và có chi phí tuân thủ thấp; công bố, công khai kịp thời các thủ tục hành chính mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung; chủ động rà soát, loại bỏ kịp thời các quy định thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Chính phủ “siết chặt” kỷ luật, kỷ cương hành chính

Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Để bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được liên tục, thông suốt, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quy chế mới được ban hành yêu cầu tất cả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thời hạn cập nhật và tính chính xác, đầy đủ của các thông tin về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Quy chế cũng giao Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất các bộ, cơ quan, địa phương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời báo cáo kết quả kiểm tra và kết luận nội dung kiểm tra lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nội dung kết luận kiểm tra trong trường hợp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng nhiệm vụ được giao phải xác định rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, trách nhiệm của bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ. Quy chế cũng cho phép đăng tải công khai kết quả thực hiện vụ theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất.

Quy chế cũng nêu rõ kết quả thực hiện Quy chế này là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét các danh hiệu thi đua khen thưởng hàng năm của các bộ, cơ quan, địa phương và của cá nhân Thủ trưởng các cơ quan và cán bộ, công chức; các bộ, cơ quan và cá nhân cán bộ, công chức thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm các Quy định của Quy chế này, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

6 nhóm đối tượng không được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Ngày 27/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định của Nghị định, 6 nhóm đối tượng không được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ, công nhân, viên chức, công chức quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, học viên, công nhân, viên chức, công chức trong Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu. Hai là, cán bộ, công chức theo Quy định tại Luật cán bộ, công chức. Ba là, người làm trong ngành, nghề liên quan đến bí mật nhà nước. Bốn là, vợ hoặc chồng của người đang làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước. Năm là, người đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tiết lộ bí mật nhà nước hoặc an ninh quốc gia. Sáu là, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành bản án hình sự của Tòa án hoặc người chưa được xóa án tích, chưa hết thời hạn, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật hình sự.

Theo Nghị định, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam là các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; Văn phòng thường trú các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình nước ngoài; tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài; tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động tại Việt Nam; Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2014.

PV