Lòng yêu nước dựa trên những kiến thức sai lầm về lịch sử
Chính trị - Ngày đăng : 08:02, 26/07/2014
Từ những ngày giữa tháng 7 vừa qua, các thành viên Phong trào sinh viên và trí thức Campuchia (FCIS) đã 2 lần tổ chức biểu tình tại Phnompenh đòi người đại diện Việt Nam ở đây công nhận vùng Nam Bộ của Việt Nam ngày nay (mà các bạn gọi là Khmer Krom) vốn là của Campuchia, bị nước Pháp cắt về Việt Nam vào cuối những năm 40 thế kỷ trước. Mặc dù thông cảm với tinh thần yêu nước của các bạn, chúng tôi vẫn phải nói rằng, trong trường hợp này, lòng yêu nước của các bạn đều dựa trên những kiến thức sai lầm về lịch sử (nếu không nói là xuyên tạc lịch sử), và bị những lực lượng thù địch với với chính quyền và với quan hệ Campuchia - Việt Nam lợi dụng cho những mưu đồ, toan tính chính trị của họ.
Không biết sách giáo khoa lịch sử của Campuchia hiện nay viết thế nào về quan hệ Campuchia - Việt Nam từ những thế kỷ XVII - XVIII, nhưng những tài liệu hiện có của cả Việt Nam, Campuchia và Pháp đều khẳng định rằng, từ giữa thế kỷ XVIII, hầu như toàn bộ vùng Nam Bộ của Việt Nam hiện nay đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và từ thời gian này Nam Bộ đã trở thành một phần không thể tách rời của Việt Nam. Điều cần nhấn mạnh là, đây không phải là kết quả của những cuộc chiến tranh xâm lược từ phía người Việt, mà là kết quả của những thỏa thuận, trao đổi giữa chính quyền các chúa Nguyễn của người Việt với những lực lượng người Khmers khác nhau trong cung đình Campuchia vào những thời điểm khác nhau trong thế kỷ XVII -XVIII. Chính những những lực lượng này đã yêu cầu chúa Nguyễn giúp họ trong cuộc đấu tranh giành quyền lực ở nước các bạn thời đó. Và để đổi lại sự giúp đỡ này, họ lần lượt hiến những vùng đất ngày nay là Nam Bộ của Việt Nam cho các chúa Nguyễn. Nói cách khác, đây là kết quả của mối quan hệ ỦNG HỘ - TRẢ ƠN giữa người Việt và người Khmers, theo đó, cả hai bên cùng có lợi. Người yêu cầu ủng hộ giành được thắng lợi trong các cuộc tranh chấp nơi cung đình Campuchia, người giúp đỡ nhận được những vùng đất Nam Bộ mình đang muốn có. Tất cả những sự kiện liên quan đến quá trình chuyển giao này đều được sử sách của chúng tôi ghi lại đầy đủ.
Người dân Campuchia không thể nào quên thảm hỏa diệt chủng - Trong ảnh, các vị sư đi về phía tượng đài quân tình nguyện Việt Nam ở Phnompenh Ảnh: Nguyễn Phan Khiêm
Thông tin nêu trên cũng được xác nhận qua những phát ngôn của nhiều thế hệ người Khmers, kể cả những người có trọng trách lớn nhất của nước các bạn ở những giai đoạn khác nhau. Xin lấy một vài thí dụ cụ thể:
- Năm 1856, trong thư cầu thân gửi Hoàng đế Pháp Napoléon III, vua Ang Duong, trị vì Campuchia thời gian này, đã đã thống kê một loạt vùng đất mà ngày nay là Nam Bộ Việt Nam, từ Đồng Nai đến Hà Tiên, những nơi mà theo ông, tựa hồ như đã bị Việt Nam chiếm của Campuchia, để đề nghị Napoléon “Nếu người An Nam tặng Đức Vua vùng nào trong số các vùng nói trên, tôi mong Đức Vua không nhận vì chúng vốn thuộc Campuchia”.
- Tháng 8/1946, tại hội nghị với chính quyền thực dân Nam Kỳ ở Đà Lạt (Việt Nam), bàn cách đối phó với Hội nghị Fontainebleau giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, đại diện Campuchia tuyên bố: “…Các ngài biết rằng đất Nam Kỳ là đất của Campuchia do Quốc vương Campuchia nhượng cho Hoàng đế An Nam, …”.
- Ngày 14/4/1949, phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Pháp ở Paris, đại diện Campuchia cho biết: “ … các hoàng tử Campuchia đã yêu cầu [Việt Nam] trợ giúp trong chiến tranh chống lại các hoàng tử khác.”
- Ngày 19/5/1949, phát biểu tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hiệp Pháp, Công chúa Yukantor, đại diện chính quyền Campuchia cũng cho biết, “vào thế kỷ XVII, sau cuộc hôn nhân giữa vua Chey Chettha II với một cô công chúa Việt Nam, người An Nam từng bước xâm nhập vào Cochinchine [Nam Kỳ] và dần trở thành chủ nhân [vùng này].”
Như vậy là nhiều nhà hoạt động chính trị có trọng trách của Campuchia thuộc các thế hệ khác nhau đã gián tiếp hoặc trực tiếp công nhận sự có mặt và quyền cai quản của người Việt ở Nam Bộ từ rất lâu trước thời gian mà các bạn đặt ra. Và không chỉ có họ, ngay cả giới khoa học người Khmers cũng không chối cãi về điều này (bởi vì nó là thực tế). Sarin Chhak, một chuyên gia rất nổi tiếng của Campuchia về đường biên giới nước mình, trong sách Các đường biên giới của Campuchia, xuất bản vào giữa những năm 60 thế kỷ XX, được vua N. Sihanouk đánh giá rất cao và tự tay viết Lời Tựa, cũng không có chung ý kiến với các bạn, mà chỉ đề cập tới những cái gọi là “mất mát về lãnh thổ của Campuchia” dọc theo biên giới hiện nay, trong quá trình Pháp phân định biên giới giữa Campuchia và Việt Nam vào các năm 1870, 1873. Cũng xin nói thêm rằng, luận điểm của Chhak về “những mất mát” này cũng dựa trên những sự kiện lịch sử bị xuyên tạc. Chúng tôi có đầy đủ tài liệu để phản bác lại những ý kiến của Sarin Chhak.
*Dường như những khiếm khuyết, sai lầm của các bạn trong hiểu biết lịch sử đã bị lợi dụng để chống lại chính quyền hiện nay ở Phnompenh, chống lại quan hệ hữu nghị Campuchia - Việt Nam và chống lại lịch sử - cả lịch sử xa xưa và lịch sử từ gần 40 năm trước. Không phải ngẫu nhiên mà các cuộc biểu tình của các bạn diễn ra vào thời điểm đầy nhạy cảm này đối với cả Campuchia và Việt Nam.
Đối với Campuchia, truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về các cuộc biểu tình của phe đối lập từ tháng 6 tới nay đòi Campuchia bầu cử lại. Tình hình Campuchia một lần nữa trở nên căng thẳng. Còn lý do nào khác ngoài mưu đồ loại bỏ chính quyền hiện hành ở Phnompenh! Các cuộc biểu tình của các bạn làm gay gắt thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Campuchia hiện nay theo cách có lợi cho phe đối lập.
Đối với Việt Nam, cuộc đấu tranh chống lại dã tâm của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông vẫn là vấn đề thời sự nóng hổi, mặc dù dàn khoan HD 981 đã rút khỏi vùng biển Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng những người Khmers thực sự yêu đất nước Campuchia và hiểu biết lịch sử Campuchia chưa quên những ngày đau thương của dân tộc Campuchia dưới chế độ diệt chủng. Họ và dư luận toàn thế giới vẫn chưa quên kẻ nào từng đứng sau Khmers Đỏ, giật dây để chúng gây ra nạn diệt chủng chưa từng thấy trong lịch sử Campuchia và gây ra các cuộc chiến biên giới với các nước láng giềng trong những năm 1975 - 1979. Sinh mệnh của trên dưới 2 triệu người Campuchia đã đã bị mất vì Khmers Đỏ. Vẫn còn đó trong tâm khảm của nhân loại và của cả người Khmers những ký ức về Trường học - Nhà tù Toul Sleng, về những hố chôn người đầy sọ và xương cốt của những người Khmers vô tội ở Xiêm Riệp mà bản thân người viết những dòng này từng tận mắt chứng kiến!
Họ hẳn cũng chưa quên ai là người đã cùng sát cánh với họ từ những ngày cuối năm 1978 - đầu năm 1979, trong cuộc chiến đấu sống - còn chống lại Khmers Đỏ, làm hồi sinh dân tộc Khmers. Họ hẳn vẫn còn nhớ những nắm cơm đạm bạc, những manh áo vải thô được quân tình nguyện Việt Nam chia sẻ ngay sau khi họ được hồi sinh từ chế độ diệt chủng. Ông Hunsen còn nhớ nhiều điều về những ngày đó, đặc biệt trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam cuối năm 2013, khi ông gặp mặt những người đã cùng ông chia sẻ sinh mệnh của mình trong cuộc chiến hồi sinh Campuchia.
Còn các bạn, những người sinh viên và trí thức Campuchia, lẽ nào các bạn đã quên?
Hà Nội, ngày 22/7/2014