Xét xử "cậu Thủy" và đồng bọn: Bản án của pháp luật và tận cùng của sự bất lương

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 18:21, 16/10/2015

Vụ án “cậu Thủy” và đồng bọn làm giả hài cốt liệt sỹ gây rúng động dư luận trong suốt thời gian dài đã được TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử vào sáng nay, ngày 16/10.

Sau một ngày xét xử, vụ án khép lại với mức án nghiêm minh dành cho mỗi bị cáo tương ứng với từng mức độ sai phạm. Trong đó, “cậu Thủy” lĩnh mức án cao nhất là tù chung thân.

>>>>>Xem toàn bộ diễn biễn phiên xử sáng ngày 10/6: TẠI ĐÂY!

6 trong 7 bị can bị truy tố về 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt” gồm: Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”, 56 tuổi), trú ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh; Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy, 53 tuổi); Mẫn Đức Phương (em Duyên), 37 tuổi; Nguyễn Văn Hoành (em Thúy) 46 tuổi; Nguyễn Trường Sơn (con rể Thúy), 28 tuổi và Nguyễn Anh Chiều (con rể Thúy), 33 tuổi. 

Bị can Vũ Đức Chung, 69 tuổi, trú xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, nhân viên hợp đồng làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum bị truy tố về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Ngoài ra, bị can Nguyễn Văn Hoành còn bị truy tố thêm về tội “Trộm cắp tài sản”.       

Xét xử

"Cậu Thủy" được dẫn giải đến Tòa

Theo kết luận của cơ quan điều tra, sau khi chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương, do không có việc làm ổn định nên năm 2008, Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên lợi dụng lĩnh vực tâm linh, lừa tìm kiếm mồ mả, hài cốt cho những ai có nhu cầu với mục đích kiếm tiền. Thúy tự xưng mình là “nhà ngoại cảm” có khả năng "soi" thấy hài cốt liệt sĩ.

Để phục vụ việc chiếm đoạt tiền được thuận lợi, Thúy và Duyên đã lần lượt lôi kéo, tổ chức cho Nguyễn Văn Hoành (em ruột Thúy), Nguyễn Anh Chiều (con rể Duyên), Mẫn Đức Phương (em ruột Duyên) và Nguyễn Trường Sơn (con rể Duyên) cùng tham gia thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp, làm giả nơi chôn cất hài cốt.

Sau khi thống nhất, Thúy đưa các đồng phạm đến các nghĩa trang ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thắp hương giả vờ là viếng các nghĩa trang để quan sát chọn khu vực mộ và hướng dẫn việc lấy trộm hài cốt. Đợi đêm xuống Hoành, Sơn, Chiều, Phương mang theo các dụng cụ để tiến hành lấy trộm hài cốt tại Nghĩa trang Liệt sỹ và xóa dấu vết.

Dưới sự chỉ đạo của Thúy và Duyên, Hoành, Phương, Sơn, Chiều đã lấy trộm khoảng 70 bộ hài cốt của các liệt sĩ chưa biết tên tại các nghĩa trang.

Sau khi lấy được xương cốt, Duyên đưa về tại nơi nghỉ và trực tiếp cùng Sơn kiểm tra, chia hài cốt thành các nhóm xương (xương sọ, ống chân, tay…) rồi bỏ vào các túi bóng khác nhau do Duyên mua mang theo rồi đưa vào chôn tập kết tại khu vực đất cát cạnh cây xăng Ngô Đồng 3 (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) để khi cần thì lấy đưa đi chôn làm giả vị trí có chôn cất liệt sĩ để lừa cá nhân, tổ chức có nhu cầu “Tìm kiếm, khai quật, cất bốc” nhằm chiếm đoạt tiền của các cá nhân, tổ chức.

Nếu thân nhân liệt sĩ có nhu cầu tìm kiếm hài cốt thì Thúy yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến liệt sĩ đã hy sinh (tên tuổi, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh…), đồng thời thỏa thuận giá cả cụ thể với họ, trong đó phải đặt tiền cọc trước cho Thúy từ 10-15 triệu đồng (gọi là lễ trình), khi nào tìm được hài cốt thì Thúy sẽ gọi điện báo và hẹn thời gian, địa điểm gặp, tổ chức cất bốc. Sau khi hoàn thành việc tìm và cất bốc hài cốt thì phải đưa cho Thúy từ 100 triệu đồng trở lên (gọi là Lễ tạ). Tiếp đến, Duyên đã đứng ra mở hai tài khoản Ngân hàng để phục vụ việc nhận tiền của các tổ chức cá nhân có nhu cầu tìm kiếm.

Xét xử

Nguyễn Văn Thúy tại phiên tòa

Bên cạnh đó, để tạo lòng tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thúy, Duyên tìm mua đồ dùng cũ từ các nguồn khác nhau gồm: Bi đông, ăng gô, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo của bộ đội…và trực tiếp khắc một số thông tin của các liệt sĩ do thân nhân cung cấp lên các vật dụng này… Sau đó, chúng đưa đến các địa điểm đã vạch sẵn rồi chôn xuống đất làm giả nơi chôn cất hài cốt liệt sỹ. Ngoài ra, các đối tượng còn lấy đất đen ở các khu công nghiệp để rải chung cùng với đồ vật xương cốt và các đồ vật khắc tên liệt sỹ.

Làm giả nơi có hài cốt liệt sỹ cần tìm xong, Thúy gọi điện thông báo thời gian địa điểm tìm kiếm, cất bốc hài cốt cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm kiếm biết. Thúy và đồng phạm đi xe ô tô đến các địa điểm làm giả nơi có hài cốt Liệt sỹ để gặp tiến hành thắp hương làm lễ để đưa người nhà của gia đình và cán bộ tổ chức thuê Thúy tìm kiếm đi đến vị trí chôn cất sẵn xương cốt và đồ vật. Thúy cho cắm hương và xác định vị trí đã làm giả chờ đến chiều tối hoặc đêm xuống mới cho tiến hành khai quật. Khi khai quật thì Duyên là người trực tiếp xuống cất bốc hài cốt để tránh sự sai sót mà các đồng phạm đã làm trước đó. Ngoài ra Thúy còn cho Chiều hoặc Phương sử dụng camera ghi lại đưa về biên tập, dàn dựng thành đĩa VCD và bán lại cho nhiều người, nhằm đưa ra các thông tin Thúy có khả năng ngoại cảm để mọi người nhờ Thúy tìm hài cốt người thân. Để đề phòng bị phát hiện, Thúy luôn mang theo 2 tờ giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công của 2 anh trai mình là liệt sỹ khi trộm và làm giả hiện trường chôn cất hài cốt Liệt sỹ.

Đầu tháng 7/2013, phía Ngân hàng đặt vấn đề với Thúy thực hiện đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ tại tỉnh Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ. Ngày 25/7/2013, khi Thúy, Duyên và đồng bọn đang bốc hài cốt liệt sĩ tại huyện Gio Linh, Quảng Trị đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt giam các đối tượng trên. Trong số những tổ chức, cá nhân mắc “bẫy lừa” của các đối tượng này, có Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Với thủ đoạn trên, từ cuối tháng 11/2010 đến cuối tháng 3/2013, “cậu Thuỷ” và đồng bọn đã làm giả 105 bộ hài cốt liệt sỹ, lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 8 tỉ đồng. Trong đó, chiếm đoạt của công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổng số tiền 7 tỉ đồng; chiếm đoạt của 8 gia đình thân nhân liệt sĩ hơn 1 tỉ đồng

Đến ngày 28/10/2013, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Thanh Thúy và vợ là Mẫn Thị Duyên để điều tra làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Tiếp đó, lần lượt các đối tượng nằm trong đường dây làm giả hài cốt do “cậu Thủy” cầm đầu gồm: Nguyễn Văn Hoành, Mẫn Đức Phương, Nguyễn Anh Chiều, Nguyễn Trường Sơn cũng bị bắt giữ.

Xét xử

Ông Trần Kiệm, cựu chiến binh tại Quảng Trị bày tỏ sự bức xúc

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Nguyễn Văn Thúy thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cáo trạng truy tố là hoàn toàn đúng. Theo đó, “cậu Thủy” tường thuật lại toàn bộ quá trình phạm tội của mình. Cụ thể, y có nói cho các đồng phạm về kế hoạch trộm hài cốt liệt sỹ tại các nghĩa trang và được những người này đồng ý tham gia. Tiếp đến, Thúy trao đổi với họ về việc các đơn vị ngân hàng muốn quy tập các hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang nên sẽ lợi dụng để trục lợi. Để có hài cốt làm giả, cả nhóm vào các nghĩa trang, chọn các mộ vô danh để trộm và đặt ra quy định không được phép chia nhỏ hài cốt mà phải để nguyên. Với thủ đoạn trên, Thúy cấu kết cùng các đồng phạm đã nhiều lần làm giả nơi chôn cất liệt sỹ ở các tỉnh Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Phước để lừa tìm hài cốt liệt sỹ nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân.

Trong quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo Duyên khai nhận đều tham gia cả 4 đợt tìm kiếm hài cốt và tất cả các lần đều do chồng mình là Nguyễn Văn Thúy chỉ đạo. Bị cáo chỉ có nhiệm vụ mua túi nilon, xô đựng hài cốt...

Trước đó, vợ chồng Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên đều có tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong hình phạt trở về sinh sống tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thì cả hai lại tiếp tục phạm tội. Em trai bị cáo Thúy là Nguyễn Văn Hoành cũng từng đi tù về tội Trộm cắp tài sản. Được biết, rất nhiều bị hại vắng mặt trong phiên tòa lần này.

Kết thúc một ngày xét xử, Nguyễn Văn Thúy cùng đồng phạm đều thừa nhận có tham gia vào đường dây làm giả hài cốt liệt sỹ. Trước tòa, các bị cáo đồng loạt khai “cậu Thủy” là người chủ mưu và trực tiếp chỉ đạo mọi việc.

Vụ án mang tính chất phức tạp, nhạy cảm và đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội rất quan tâm. Rất đông người dân đã đến theo dõi và tỏ ra bất bình với hành vi của các bị cáo. Có mặt từ rất sớm để theo dõi phiên xét xử, ông Trần Kiệm (SN 1945, trú tại Tp. Đông Hà, Quảng Trị) – cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Đường 9 (Quảng Trị) bày tỏ bức xúc trước hành vi lừa đảo của Thúy cùng đồng bọn. Ông chia sẻ: “Bản thân tôi rất đau lòng và phẫn uất trước hành động vô đạo, bất lương của “cậu Thủy” và đồng bọn. Chúng tôi mong rằng, cơ quan chức năng và HĐXX sẽ có một bản án thật nghiêm minh để xử lý nhóm tội phạm này”.

Xét xử

Chủ tọa phiên tòa đọc bản tuyên án đối với các bị cáo

Chị Đặng Thị Ba (SN 1979, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) – thân nhân liệt sỹ trong vụ án đã lặn lội đường xá xa xôi vào tham dự phiên tòa. Đau buồn trước sự việc, chị tâm sự: “Gia đình chúng tôi khi phát hiện ra sự lừa dối này rất bàng hoàng và hẫng hụt, đó lại không phải là hài cốt của bác mình. Việc bồi thường vật chất bây giờ chỉ là một phần, tinh thần của chúng tôi đã suy sụp quá nhiều. Qua đây, tôi hy vọng những người phạm tội phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật”.

Lúc nói lời sau cùng trước lúc Tòa nghị án, cả 7 bị cáo đều trình bày hoàn cảnh, thể hiện sự ăn năn hối cải và mong muốn được nhận sự khoan hồng. Riêng “cậu Thủy” tỏ vẻ đau buồn và gửi lời xin lỗi tới Ngân hàng chính sách và thân nhân gia đình các liệt sỹ về sai trái mà mình gây ra.

“Tôi đã gây nên nỗi đau cho biết bao người, đặc biệt là gia đình các liệt sỹ. Hành động đó tôi không thể lấy lại được, mong rằng các liệt sỹ và thân nhân hãy tha thứ cho tôi. Qua đây, tôi xin tòa xem xét để giảm nhẹ hình phạt, tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt và sửa chữa những sai lầm của mình” – “cậu Thủy” nói trong nỗi ân hận muộn màng.

Xét xử

Các bị cáo nghe Tòa tuyên án

Xét thấy, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây phẫn nộ dư luận, đồng thời làm tăng thêm nỗi đau của những gia đình có người thân là liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Thúy mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 năm tù về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, tổng mức hình phạt là chung thân. Đối với Mẫn Thị Duyên 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 năm tù về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, tổng mức phạt là 25 năm tù; Nguyễn Văn Hoành 15 năm tù về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 5 năm tù “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, 3 năm tù “Trộm cắp tài sản”, tổng mức án là 23 năm tù; Nguyễn Trường Sơn 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, tổng mức án là 15 năm tù; Mẫn Đức Phương 14 năm tù về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù về “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 18 năm tù; Nguyễn Anh Chiều 4 năm tù “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 1 năm “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, tổng mức án 5 năm tù; Vũ Đức Chung 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.

Đồng thời, buộc Nguyễn Văn Thúy và các đối tượng liên đới bồi thường 7 tỷ đồng cho Công đoàn Ngân hàng Chính sách và gần 1 tỷ đồng cho gia đình các bị hại.

Nhóm PV