Bé 17 tháng tử vong do ăn nhầm gạo trộn thuốc chuột

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:52, 09/10/2020

Bệnh nhi 17 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê sau khi ăn phải gạo rang trộn thuốc diệt chuột.

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết, Khoa Hồi sức cấp cứu vừa tiếp nhận 1 trường hợp cháu bé nhập viện do ăn nhầm phải thuốc diệt chuột.

Bệnh nhi là L.V.A. (17 tháng tuổi, trú tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu bé không qua khỏi, tử vong sau 13 giờ nhập viện.

Gia đình cho biết, trước đó, bố của bé A. dùng gạo rang trộn lẫn với thuốc diệt chuột để bẫy chuột. Do người nhà sơ ý chưa kịp dọn nên bé A. nhặt lên ăn.

Bé 17 tháng tử vong do ăn nhầm gạo trộn thuốc chuột

Ảnh minh họa.

Sự việc đau lòng trên là lời cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh nên cẩn trọng hơn khi sử dụng thuốc diệt chuột cũng như các loại hóa chất khác, đặc biệt là gia đình có con nhỏ.

ThS.BS Vũ Thị Hải Yến - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu cho biết, hiện nay, tình trạng ngộ độc ở trẻ em do ăn, uống nhầm phải các hóa chất độc hại như: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, côn trùng… ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này ở là do bao bì, mẫu mã đựng hóa chất ngày càng bắt mắt, giống các loại bánh kẹo hơn gây nhầm lẫn và sự bất cẩn của người sử dụng.

Khi trẻ ngộ độc hóa chất nói chung và thuốc diệt chuột nói riêng sẽ có các tình trạng như đau rát mồm, họng, nôn và nôn ra máu, tiêu lỏng và có thể có máu. Bệnh nhân khát nước với triệu chứng mất nước, mất điện giải, rối loạn nhịp tim, nặng hơn là kích động, hôn mê, cơn co giật toàn thân.

"Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết để hết độc, nhưng đây là quan niệm sai lầm", bác sĩ cho biết. Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa, làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Vì vậy, ngay khi phát hiện trẻ ăn nhầm thuốc diệt chuột, phải đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất. Khả năng thành công điều trị phụ thuộc nhiều vào thời gian đi cấp cứu ban đầu.

Bác sĩ khuyến cáo không để bả chuột ở nơi trẻ hay chơi đùa hoặc nơi dễ nhìn thấy như cửa sổ, góc nhà, gầm giường, trên đường trẻ đi học.

Chí Tâm