Chuyện về một cựu Bí thư Tỉnh ủy

Đời sống - Ngày đăng : 09:53, 06/10/2020

Sô Lây Tăng - ông đã sống với buôn làng Tây Nguyên như một tình yêu không bao giờ ngưng chảy, vẫn sáng trong như suối tận nguồn, vẫn son sắt, thuỷ chung một mối tình với Dân, với Đảng.

Chuyện về một cựu Bí thư Tỉnh ủy

Ông Sô Lây Tăng với cố nhà báo Hữu Thọ tại biên giới Việt - Lào.

Từ cậu bé giao liên đến Chủ tịch tỉnh

Ông Sô Lây Tăng khi ấy đương chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, đại biểu Quốc hội, dù có bận đến mấy, những ngày lễ, ngày truyền thống của Đoàn thanh niên, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum - ông Sô Lây Tăng cũng đến thăm anh em ở cơ quan tỉnh đoàn. Ông đến với thanh niên là hoà mình ngay với lớp trẻ. Nhớ ngày ấy, khi tôi còn công tác ở tỉnh đoàn, ông đã "kéo" cả nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ka Ba Tơ đến thăm anh em tỉnh đoàn chúng tôi.

Cặp song ca Sô Lây Tăng - Ka Ba Tơ trong giai điệu "Đảng là cuộc sống của tôi" vang lên trong căn phòng nhỏ chật kín thanh niên như tiếng kèn xung trận, giục giã tuổi trẻ chúng tôi tiến bước… Hát đến câu "Đảng là một ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao. Đảng làm nên bài ca chiến thắng, cho đất nước và tình yêu" … thì ông bật khóc, khóc thành tiếng. Tôi hiểu, tự đáy lòng mình, tình cảm của ông với cách mạng, với Đảng đã thấm sâu vào máu thịt của mình và ngọn lửa nhiệt huyết vì buôn làng Tây Nguyên trong ông luôn đầy ắp, tròn đầy và ấm nóng.

Làng Nú Vai, Xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum quê ông, cũng là quê hương đồng bào dân tộc Giẻ -Triêng sinh sống ngày ấy bị giặc đốt mất hai làng. Dân làng chạy sang Lào rồi trôi sông, trôi suối, người mất, người còn. Lên 8 tuổi, khi cách mạng về làng, ông cùng cha mẹ trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Ông nhớ lại, khi ấy cách mạng về làng người dân tưởng là giặc nên chạy trốn. Ông bị đau nên không chạy được. Bộ đội cho ông uống thuốc, chữa cho ông khỏi bệnh. Được giác ngộ, ông là người đầu tiên trong làng cắt tóc (vì ngày ấy già, trẻ, trai, gái người Giẻ -Triêng ai cũng để tóc dài và không bao giờ cắt).

Được bộ đội giao nhiệm vụ, ông trở thành giao liên. Cậu bé A Tăng (tên thủa nhỏ của ông) đóng khố, cởi trần ngày đêm không quản hiểm nguy vượt núi cao, suối sâu mang những thông tin nóng hổi phục vụ cách mạng. Đã nhiều lần bị lộ, ông phải chui vào bụi le giữa rừng, ngụp xuống suối để trốn.

Lại những đêm rét mướt, giữa núi rừng thâm u, bao gian nan khó nhọc nhưng được bộ đội tin giao, không việc nào ông không làm tròn. Chiến công thầm lặng của người chiến sĩ giao liên nhỏ tuổi đã góp phần vào chiến thắng của trận Đăk Pet đã đi vào lịch sử.

Kon Tum giải phóng năm 1954. Khi ấy ông 17 tuổi, vinh dự trong đoàn quân đi bộ từ làng Nú Vai quê ông đến Kon Tum dự lễ chiến thắng. Bây giờ nhớ lại lúc đó, ông vẫn không nhịn được cười. Chẳng là đi bộ đến ngày thứ năm mới đến dốc Đầu Lâu (xã Đak La, huyện Đăk Hà bây giờ) ông không đi được nữa. Ban Tổ chức cho xe đạp đi đón.  Người của Ban Tổ chức đặt ông lên gác-ba-ga xe để đèo đi mà ông vẫn không ngồi được, ngã lên ngã xuống đến mấy lần.

Dự lễ chiến thắng ở thị xã Kon Tum là ngày mà ông không bao giờ quên. Tâm trạng lúc đó giống như nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Biết bao sung sướng tủi hờn, trông nhau mà tưởng như còn trong mơ". Đúng là như trong một giấc mơ nhưng đó lại là sự thật.

Ông kể, người ta bảo tôi cởi khố ra, đưa quần cho mặc để đi dự lễ. Lúc đầu thấy khó chịu lắm vì nó cứ lỏng lẻo làm sao ấy, nhưng sau dần cũng quen. Xong lễ, trên đường trở về làng Nú Vai nơi ông sinh ra, ông Phạm Nhớ (nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum) có hỏi ông: "Tăng này, mày có muốn đi gặp Bok Hồ không?". Lúc ấy, ông cũng chẳng hiểu Bok Hồ là ai, nhưng trong ông không biết tự bao giờ đã cháy lên một niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, vào những người đã dạy bảo, dìu dắt mình nên ông đồng ý ngay.

Từ một cậu bé đóng khố, không biết chữ, được đưa ra sống giữa Thủ đô. Ông đã học một mạch 16 năm, từ lớp một đến Đại học Y Hà Nội. Cầm tấm bằng Bác sĩ y khoa, theo đoàn quân Nam tiến vào Ban dân y Khu 5.  Không làm chuyên môn, đi phát rẫy, tăng gia sản xuất. Chỉ huy bảo: "Thằng này cái gì cũng làm được, giỏi đấy!".

Được kết nạp Đảng. Thế rồi ông lao đi chống sốt rét, dịch hạch, đào hố xí, vệ sinh làng bản cho dân và ngay năm ấy, ông giật luôn danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", được bầu vào cấp uỷ, phụ trách thanh niên trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng trên núi rừng Tây Nguyên.

Năm 1974 ông lên Kon Tum rồi làm Uỷ viên Ban Dân y tỉnh đến Phó ty Y tế. Học Trường Nguyễn Ái Quốc 2 năm về, ông tiếp tục làm Trưởng ty, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban, rồi Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Trở về với buôn làng, hết lòng với người dân

Cuối năm 1991, Gia Lai- Kon Tum được chia tách thành hai tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ X, tháng 12 năm 1991, ông Sô Lây Tăng - vị Chủ tịch tỉnh đã trở thành Bí thư Tỉnh ủy trong chặng đường đầu tái lập tỉnh đầy cam go với số phiếu tín nhiệm cao.

Đại hội thành công, mọi người dân cùng đón nhận trong tâm trạng phấn khởi và tin tưởng vào sự lựa chọn của Đảng. Trọng trách của ông với cương vị người đứng đầu của một tỉnh cực Bắc Tây Nguyên còn nghèo nhất nhì cả nước khi ấy làm ông bao phen mất ăn mất ngủ. Ông bảo: "Muốn có chủ trương đúng thì phải bám sát dân, phải đi cơ sở nhiều, lắng nghe dân nói, nghĩ cho cùng, mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng phải bắt nguồn từ cuộc sống".

10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy, 15 năm làm đại biểu Quốc hội (khóa VIII, IX, X ), gần 8 năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Sô Lây Tăng - vị "Già làng Tây Nguyên" (theo cách gọi của nhiều người) đã để lại cho lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum bao sự kiện - từ không đến có, tuy chưa giàu nhưng nghèo đói đã và đang được đẩy lùi, cuộc sống mới dần lan toả đến mọi nhà. Công sức ấy thuộc về tập thể Đảng bộ tỉnh, trong đó phần của ông thật không nhỏ.

Nhớ lời Bác Hồ dặn khi còn là sinh viên trường Đại học y Hà Nội khi Người đến thăm là học xong về phục vụ bà con Tây Nguyên. Vậy là trong những năm giữ trọng trách người đứng đầu tỉnh, cứ có thời gian là ông lại "nhảy" đi cơ sở, tìm về với dân ở các buôn làng xa. Ông bảo: "Dân được gặp lãnh đạo cao nhất tỉnh là mừng lắm. Hơn nữa, mình còn là đại biểu Quốc hội. Bà con nói cho mình nghe hết, chuyện cơm, áo, gạo, tiền, chuyện dân chủ, chính sách, sinh hoạt... ở quê. Tuy chưa thoả mãn hết được cho dân nhưng cũng đã gắng hết sức rồi, thế cũng là mừng. Nhưng mình vẫn còn nợ dân nhiều lắm...".

Một lần đi tiếp xúc cử tri ở xã Đăk Kroong, huyện vùng cao Đăk Glei, ông đến làng Đăk Vớt, thấy một gia đình người dân tộc Giẻ-Triêng nghèo quá, trời rét mà ông già cởi trần, đóng khố, ông đã cởi ngay chiếc áo đang mặc đưa cho ông già đó mặc, rồi một lúc sau cởi luôn chiếc quần dài đưa nốt cho ông. Mọi người đi cùng hôm ấy rất xúc động. Ông già người Giẻ-Triêng cảm kích trước tình cảm ấy đã ôm chầm lấy ông mà khóc.

Buổi hôm đó, về đến xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô (cách đó hơn 60 km) ông phải vào UBND xã mượn tạm quần áo của cán bộ xã mặc để tiếp tục chuyến công tác.

Khi còn là Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội, đi cơ sở vận động bà con dân tộc thiểu số cách làm ăn mới, ông thường làm mẫu cho dân, hướng dẫn bà con cụ thể, giải thích dễ hiểu để dân hiểu và làm theo.

Cứ như vậy, hình ảnh Bí thư Tỉnh uỷ, đại biểu Quốc hội Sô Lây Tăng sống gần gũi với người dân ở vùng sâu, vùng xa; chung vui thâu đêm bên những ché rượu cần và cùng ngủ với dân trong những buôn làng; hoà cùng lời hát dân ca, chung bước trong những điệu xoan với bà con trong những đêm lửa ấm giữa rừng, ôm nhau cùng các già làng ngủ tại nhà rông đã trở nên quá ư quen thuộc, là "chuyện thường ngày" của ông Sô Lây Tăng.

Khi đi cơ sở, lúc nào ông cũng mang theo túi thuốc cấp cứu, sẵn sàng chữa bệnh cho dân. Chẳng thế mà bà con thường truyền tai nhau câu chuyện ông đi đỡ đẻ "mẹ tròn con vuông".

Ông nói rằng: "Phải như thế dân mới tin, mới nghe mình, phải sống chết với dân, mất dân là mất hết". Tên tuổi, hình ảnh của người Bí thư Tỉnh ủy Sô Lây Tăng luôn được người dân Kon Tum kính trọng, quý mến như một biểu tượng của người đảng viên cộng sản trên vùng cực Bắc Tây Nguyên.

Kể cả khi còn đương chức cũng như bây giờ không còn là Bí thư, nhưng nhà ông ở đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum lúc nào cũng đông khách, nhất là người dân. Bà con ở xa lên tỉnh ghé vào chơi, ngủ lại, ăn cơm. Tuy nhà rộng, có nhiều giường nhưng khi đông vẫn phải trải chiếu ngủ ở sàn nhà. Người có người nhà là bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tỉnh gần sát nhà ông cũng thường ăn, ngủ ở nhà ông để tiện chăm sóc bệnh nhân trong bệnh trong viện.

Khi nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lúc ấy còn là Chủ tịch Quốc hội vào thăm tỉnh Kon Tum, ông Sô Lây Tăng đã "kéo" vị Chủ tịch Quốc hội về thăm và ngủ lại làng Nú Vai quê ông cách tỉnh lỵ Kon Tum hơn 120 cây số. Vị Chủ tịch Quốc hội có lời khen làng quê đổi mới và hôm sau mua tặng làng 50 cân muối, bà con mừng lắm vì đây là quà của người đứng đầu cơ quan lập pháp tặng cho làng.

Bí thư Tỉnh uỷ Sô Lây Tăng còn là người có quan hệ ngoại giao tốt với các bộ, ngành Trung ương. Có lần, ông dẫn đầu một đoàn đi "đàm phán" với Bộ giao thông vận tải, giải quyết làm đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh. Nghe chừng sự khó, ông xin phép đứng dậy hát ngay bài "Cô gái mở đường" của Xuân Giao. Bộ trưởng ngày ấy là Lê Ngọc Hoàn rồi các Thứ trưởng khen hay, "thưởng" cho ông mấy cốc rượu liền. Thế là chủ và khách vui vẻ, công việc cũng vì thế mà được giải quyết êm xuôi.

Tranh thủ những kỳ họp Quốc hội, họp Trung ương... ông đều ghé đến các bộ, ngành trao đổi những việc nghị sự cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ưu tiên cho địa bàn chiến lược Tây Nguyên vẫn là chủ trương nhất quán của Đảng, của Chính phủ nên những việc ông đề nghị cho tỉnh, thường được cả.

Mãi vẫn một tấm chân tình, giản dị

Khi còn ở giảng đường Đại học giữa thủ đô, chàng sinh viên Sô Lây Tăng đã có một mối tình với cô gái Lâm Thị Thoan, quê Diêm Điền, tỉnh lúa Thái Bình. Ông ra điều kiện: "Đã yêu nhau là Thoan phải vào Nam với anh đấy". Cô gái quê lúa đồng ý. Tốt nghiệp ra trường, họ cưới nhau và cô gái Thái Bình ấy đã cùng với anh chàng người Giẻ - Triêng hoà vào đoàn quân Nam tiến. Đến địa đầu phía Bắc Tây Nguyên. Nhưng thật không may cơn sốt rét ác tính đã cướp đi người vợ yêu quý của ông.

Biến đau thương thành nghị lực của người cộng sản, bác sĩ Sô Lây Tăng lại bước tiếp cuộc trường chinh trong núi cao, rừng sâu của những ngày gian khổ nhất; trong lòng ấp ủ, khát khao sẽ đến ngày chiến thắng để trở về buôn làng.

Cuối năm 1974, ông theo đơn vị về huyện Đăk Glei quê ông tuyển quân. Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Vững nói: "Anh Tăng xa làng đã lâu, nay cho về thăm nhà kết hợp tuyển quân luôn".

Mừng quá, từ một cậu bé đóng khố, không biết chữ nay thành một bác sĩ, Phó Ban dân y tỉnh, "oách ra phết!". Dân làng công kênh ông như người con ưu tú nhất của làng.

Cũng chính dịp này, ông được hai gia đình mai mối để rồi ông với cô gái làng Nú Vai cùng người Giẻ - Triêng tên là Y Sỏi làm lễ cưới. Mỗi nhà góp 2 con heo, 5 ghè rượu để dân làng chung vui trong 3 ngày. Ở với nhau được tuần lễ, chia tay vợ, ông lại đi về tỉnh.

Bà Y Sỏi kể lại rằng: "Hồi ông nhà tôi về làng, tôi đâu có biết ông là bác sĩ, là cán bộ gì đâu. Chỉ thấy ông đeo ba lô, mang thuốc về chữa bệnh cho bà con. Anh tôi bảo: "Lấy thằng Tăng đi em". Tôi gật đầu.

Vợ chồng ông sinh hạ được 3 người con, đứa gái đầu Sô Linh Mai hiện là Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Kon Tum, con trai Sô Lây Ngai, nay là Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum, cậu út Sô Lây Nghị công tác ở công an tỉnh. 

Bà Y Sỏi còn khoe với tôi: "Từ hồi lấy nhau đến giờ, vợ chồng chẳng bao giờ "cơm không lành, canh không ngọt" đâu nhé. Bây giờ già rồi nhưng vẫn chăm bẵm nhau như lúc tuổi xuân ấy, ông nhà tôi được cái dễ tính, chẳng bao giờ cằn nhằn với vợ con, ăn uống cũng đơn giản lắm, có gì ăn nấy, chẳng bao giờ đòi hỏi".

Hàng ngày vào buổi sáng, bà bách bộ ra chợ mua đồ ăn về nấu ăn cho ông. Thỉnh thoảng, bà mua kèm hộp sữa hoặc gói bánh cho ông bồi dưỡng. Chỉ có vợ chồng già, nhiều lúc bà theo con gái lên rẫy làm cỏ cà phê nhưng vẫn lo cho ông ở nhà không có người đi chợ. Bà bảo: Bây giờ, tuy đã bước sang tuổi 84 nhưng hễ có dịp ông vẫn đi thăm hỏi bà con đồng bào các dân tộc trong tỉnh. “Hồi còn làm việc, ông đi họp Quốc hội ở Hà Nội cả tháng chẳng sao, bây giờ xa nhau một ngày là đã nhớ"... 

Chuyện về một cựu Bí thư Tỉnh ủy

Vợ chồng ông Sô Lây Tăng.

Khi bài viết này hoàn thành, tôi cẩn thận đưa cho ông xem, mấy lần ông phải dừng lại bỏ cặp kính xuống lau dòng nước mắt vì xúc động. Tôi hiểu, trong tâm tưởng của mình, cho đến bây giờ, ông cũng không hiểu sao cuộc đời đi làm cách mạng của mình lại có nhiều kỷ niệm với Dân, với Đảng đến thế. Đọc xong bài viết, ông đứng dậy siết chặt tay và ôm lấy tôi, một người cộng sản lão thành với một đảng viên thế hệ đi sau như có sự trùng hợp trong lẽ sống, niềm tin và tình đồng chí thân thương.

Tây Nguyên đang vào cuối mùa mưa. Đất trời giăng tràn với những cánh rừng cao su, cà phê đang bật dậy những chồi non xanh thẳm. Nhánh lan rừng treo trước cửa nhà ông đã nở. Cánh hoa trắng muốt như chính tấm lòng ông vậy. Sô Lây Tăng - ông đã sống với buôn làng Tây Nguyên như một tình yêu không bao giờ ngưng chảy, vẫn sáng trong như suối tận nguồn, vẫn son sắt, thuỷ chung một mối tình với Dân, với Đảng.

Nguyễn Chiến