Kiểm soát độc quyền và "thổi giá"

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:26, 14/07/2020

Thông tin được Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020, từ ngày 12/6/2020, Việt Nam chính thức nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về để nuôi, giết mổ làm thực phẩm.

Nguồn cung thịt lợn từ Thái Lan được bổ sung vào thị trường Việt Nam khiến giá lợn hơi trong nước giảm ngay sau đó, với mức giảm từ 2.000-10.000đ/kg.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, mặc dù giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ dân sinh tháng 6/2020 vẫn tiếp tục tăng 3,36% so với tháng trước. “Riêng giá thịt lợn tăng 68,2% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI chung tăng 2,86%” – thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết. Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá thịt chế biến tăng 23,37%; mỡ lợn tăng 73,64% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại giá nhiều mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là giá thịt lợn tăng đột biến, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi đó cho rằng là do cung - cầu chưa gặp nhau. Để giảm giá, có ba giải pháp: Một là đẩy nhanh tái đàn, hai là đa dạng "rổ" thực phẩm và cuối cùng là rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối. Không nên chỉ tập trung ăn thịt lợn mà cần đa dạng hóa các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng...

Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ kiểm tra vì sao nguồn cung đã được bổ sung, giá lợn hơi giảm, nhưng giá thịt lợn trên thị trường trong tháng 6 vẫn tiếp tục tăng 3,36% so với tháng trước - thời điểm chưa được phép nhập lợn sống từ Thái Lan về để giết mổ. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để thao túng giá và vi phạm pháp luật về cạnh tranh của một số doanh nghiệp lớn hay không. Nếu có, sẽ xử lý nghiêm - đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định khi trao đổi với báo chí.

Tuy nhiên, dù lý giải thế nào thì những diễn biến về giá cả mặt hàng thịt lợn những tháng đầu năm cũng rất phi lý. Điều phi lý này diễn ra trong khoảng thời gian dài và ngoài nguyên nhân khách quan, có "đóng góp" rất nhiều bởi nguyên nhân chủ quan đó là các khâu trung gian. Như Thủ tướng Chính phủ từng đề cập hồi cuối tháng 4: Giá thịt lợn hơi lên tới 90.000 đồng/kg là "quá đáng", nhưng vấn đề là người chăn nuôi có được hưởng không hay chỉ một bộ phận?

Theo quan điểm của một số chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp điều tiết, cân đối cung - cầu; kiên quyết thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo pháp luật.

Giá thịt lợn cao không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng mà còn khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, nguy cơ khó kiểm soát CPI năm 2020 dưới 4%. Chỉ tính từ chuồng nuôi ra đến chợ, giá thịt lợn đã tăng 1,7 lần, bởi vậy cần có sự chung tay vào cuộc của các bên, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp tăng đàn, liên kết cung ứng giữa các địa phương, tiết giảm chi phí kinh doanh và đa dạng hóa nguồn thịt nhập khẩu; kiểm soát độc quyền và "thổi giá" ở khâu trung gian trong chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu dùng.

Trung Nguyễn