Cần biết nhận lỗi và chịu trách nhiệm về hành vi của mình
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:09, 28/06/2020
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do cán bộ, công chức điều khiểu phương tiện tham gia giao thông (lái xe) gây ra, thay vì dừng lại phối hợp với lực lượng chức năng để giải quyết vụ việc thì nhiều trường hợp cố tình lái xe bỏ chạy, khiến cho người dân phải truy đuổi, bắt giữ.
Điển hình như ngày 8/5, ông Nguyễn Văn Điều - Nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình khi điều khiển ô tô đã va chạm với 1 xe đạp trên đường Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, TP Thái Bình khiến người điều khiển xe đạp tử vong. Sau đó, ông Điều bỏ chạy rồi lại đâm vào 1 xe máy khác khiến người lái xe ngã xuống đường bị thương. Khi định chạy vào khu công nghiệp Phúc Khánh thì bị bảo vệ đóng cửa nên xe đâm vào cổng sắt rồi dừng hẳn.
Một vụ tai nạn giao thông khác xảy ra vào chiều tối ngày 26/6. Theo đó, ông Mai Như Vệ, 54 tuổi, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Phước điều khiển ôtô lưu thông trên đường ĐT 759 theo hướng từ huyện Bù Đốp đi TP HCM.
Khi xe lưu thông đến đoạn đường thuộc thôn Bình Tân, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập thì va chạm với xe máy do bà Phạm Thị Năm (36 tuổi) điều khiển theo hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến bà Năm bị thương nặng được người dân khẩn trương đưa đi cấp cứu. Trong khi đó, vị Phó chi cục trưởng Hải Quan lại tiếp tục điều khiển ôtô chạy khoảng 5km thì bị người dân chặn lại.
Câu hỏi đặt ra là, lý do vì sao một số cán bộ, công chức gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy? Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: Một là, cố tình bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm gây ra vụ việc tai nạn giao thông. Hai là, cố tình bỏ chạy để nhờ người khác “thế thân”, tức là nhờ người khác nhận trách nhiệm. Ba là, do sử dụng rượu, bia và lái xe gây ra tai nạn, sợ tăng nặng trách nhiệm. Bốn là, sau khi gây tai nạn, tinh thần bị hoảng loạn, sợ người thân hoặc người dân bức xúc gây thương tích cho mình,…
Nhưng dù lý do gì đi chăng nữa, hành vi gây tai nạn giao thông nhưng sau đó bỏ chạy là không thể chấp nhận được; cố tình trốn tránh trách nhiệm do mình gây ra không thể hưởng tình tiết giảm nhẹ khi xử lý hình chính, lẫn hình sự.
Cụ thể, về xử lý hành chính, tại khoản 8 Điều 5 nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 16.000.000 – 18.000.000đ trong trường hợp gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Ngoài ra, người gây tai nạn cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 260 của BLHS 2017 sửa đổi đối với các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ: “Với hành vi lái xe gây tai nạn chết người sau đó bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm, đây là một hành vi vi phạm pháp luật, một tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ, nếu bị kết tội, người phạm tội có thể bị xử phạt tối đa là 10 năm tù.”
Khi xảy ra tai nạn giao thông, đây là điều mà các bên không mong muốn. Và khi giải quyết vụ việc lúc nào cũng phải xác định yếu tố lỗi; nếu cán bộ, công chức lái xe chấp hành đúng pháp luật nhưng không may xảy ra tai nạn do lỗi của người khác thì hà cớ gì phải bỏ chạy. Còn nếu cán bộ, công chức lái xe có lỗi thì phải dừng lại, tham gia cứu chữa người bị hại, bồi thường thiệt hại với tinh thần cầu thị, đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý vụ việc; nếu có lỗi thì chấp hành mọi quyết định xử lý của cơ quan chức năng. Nếu biết xử lý tình huống như vậy, thì chẳng có ai trách cả, thậm chí gia đình và người bị tai nạn sẳn sàng bỏ qua, không tiếp tục truy cứu.
Có thể nói, cán bộ, công chức lái xe gây tai nạn sau đó bỏ chạy, không chỉ làm xấu hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước mà còn gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân. Bỏ chạy khi gây tai nạn giao thông là hành vi đáng lên án. Việc bỏ chạy không tránh được pháp luật; không tránh được tòa án lương tâm và cũng không bảo vệ được danh dự, nhân phẩm của chính mình.
Hãy biết nhận lỗi và chịu trách nhiệm do hành vi của chính mình gây ra, đó mới là “thượng sách”!