Phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:38, 24/06/2020

Nếu không có biện pháp kịp thời để bảo vệ người tố cáo thì không thể khuyến khích việc tố cáo hành vi sai trái của cán bộ, công chức.

Vừa qua, ông Vũ Văn P. (31 tuổi, trú P.Trần Lãm, TP.Thái Bình, Thái Bình), hiện là cán bộ công chức tư pháp, hộ tịch P.Lê Hồng Phong (TP.Thái Bình) bị 2 côn đồ lạ mặt hành hung đến chảy máu đầu, bất tỉnh. Trước đó, ông P. gửi đơn tố cáo ông Vũ Xuân Liệu, Bí thư đảng ủy P.Lê Hồng Phong không giải quyết đơn đề nghị xem xét quy trình dùng nguồn nhân sự, thiếu trách nhiệm, đề bạt người không đủ tiêu chuẩn vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Nếu ông Vũ Văn P. bị 2 côn đồ lạ mặt hành hung đến chảy máu đầu, bất tỉnh có liên quan đến nội dung tố cáo thì đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định. Cán bộ, công chức nào có liên quan phải xử lý lý đến cùng, không bố trí nhân sự vào cấp ủy khóa mới.

Việc phát sinh đơn thư tố cáo trong công tác cán bộ là hết sức bình thường, người bị tố cáo là cán bộ, công chức nhà nước phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận nội dung tố cáo có liên quan đến mình.

Nếu việc tố cáo là đúng thì phải chấp hành mọi quyết định xử lý của tổ chức; nếu nội dung tố cáo là sai thì người bị tố cáo có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.

Còn đối với người tố cáo thì phải chịu trách nhiệm với nội dung tố cáo của mình; phối hợp, cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung tố cáo khi người có thẩm quyền yêu cầu. Đồng thời, phải biết về hậu quả pháp lý đối với mình do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra.

Trong sự việc nêu trên, trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh và kết luận nội dung tố cáo thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo theo đúng quy định của Luật Tố cáo năm 2018. Nếu việc tố cáo là đúng thì phải tuyên dương khen thưởng người tố cáo theo quy định; còn ngược lại nếu tố cáo sai thì phải kiên quyết xử lý, không nể nang, không có vùng cấm trong xử lý,…

Nếu không có biện pháp kịp thời để bảo vệ người tố cáo thì không thể khuyến khích việc tố cáo hành vi sai trái của cán bộ, công chức. Do đó, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức mặc dù không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định nhưng vẫn được “thăng quan, tiến chức”, vẫn được cơ cấu vào các chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước và sẽ làm giảm sút lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Vì vậy, tố cáo vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người tố cáo. Nếu việc tố cáo xuất phát từ động cơ tốt để ngăn chặn người không đủ tiêu chuẩn để cơ cấu, bố trí vào các chức vụ trong cơ quan nhà nước thì đây là việc tốt, cần phải khuyến khích, vì sẽ góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Đỗ Văn Nhân