Quyền năng của những đứa trẻ non nớt
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:19, 23/05/2020
Đó là một câu chuyện buồn. Buồn hơn nữa là khi nhà trường, giáo viên và phụ huynh phải ngồi với nhau để chỉ trích, phân trần về cách đối xử với học sinh thì thực tình mục tiêu của giáo dục đã thất bại rồi.
Tôi đã không dưới một lần viết về những tồn tại của nền giáo dục, cũng không dưới một lần quan ngại về vai trò, vị trí, giá trị của người thầy trong xã hội hiện nay. Xã hội dù thịnh hay suy thì vị trí của người thầy tuyệt nhiên không thay đổi, nó là bất biến.
Người thầy được xem là hình mẫu về chuẩn mực đạo đức. Do vậy, trường học chính là cái nôi ươm mầm cho đạo đức, vun dưỡng nhân cách của mỗi con người. "Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ" (một ngày làm thầy, cả đời làm cha), ấy là cách mà người xưa đối đãi với thầy.
Ngày nay, hình ảnh về người thầy, về mái trường từ cái nhìn của dư luận trở nên méo mó. Không biết có phải do tiêu chuẩn đánh giá giáo dục khắt khe hơn hay cái xấu thực sự đã lấn át?
Hình ảnh đang làm dậy sóng dư luận
Ví như vụ việc bé gái lớp 1 bị phơi nắng ngoài cổng trường, bị giáo viên chụp ảnh phê bình do đi học sớm, những người trong cuộc hôm qua đã "phân giải" bằng một mớ lý luận lắt léo, vô cảm.
Cũng từ vụ việc này, một lần nữa dấu hỏi lại đặt ra với lực lượng mang tên "Sao đỏ".
Cách đây 2 năm, tại Quảng Bình, một học sinh lớp 6 đã phải "chường mặt" ra để cho 23 bạn cùng lớp tát theo chỉ đạo của cô giáo. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc nam học sinh này chửi tục trong giờ ra chơi và bị đội Sao đỏ ghi sổ. Sợ "mất thành tích", cô giáo đã trút giận lên khuôn mặt cậu học trò nhỏ bằng một hình thức rất phi giáo dục, không ai dám nghĩ tới.
Thời điểm ấy, cuộc tranh luận về sự tồn tại của lực lượng Sao đỏ trong trường học đã được đem ra mổ xẻ. Cái kết vẫn như mọi cuộc tranh luận khác. Chìm xuống và im lặng. Bộ Giáo dục theo thói quen thường thấy, vẫn rất kiệm lời với những điều liên quan đến mình.
Thừa nhận đội Sao đỏ là một phần của lịch sử nhưng đã đến lúc cần xét lại vai trò của nó. Trao quyền lực vào tay những đứa trẻ nhằm mục đích gì?
Nhiều người lý giải, thành phần trong đội Sao đỏ là những học sinh gương mẫu có thể giúp nhà trường, giáo viên giám sát, nhắc nhở học sinh chấp hành nề nếp. Tuy nhiên, cách nhìn ấy không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, đứa trẻ gương mẫu không có nghĩa là hoàn thiện. Mục tiêu tối thượng mà con trẻ cắp sách đến trường là học để thu nạp kiến thức và hoàn thiện mình. Giáo dục tuyệt nhiên không phải để biến cả 5 ngón tay đều bằng nhau tăm tắp.
Trao quyền hành cho những đứa trẻ là áp đặt đầy khiên cưỡng. Một đứa trẻ lại có quyền trừng phạt một đứa trẻ khác đang ngồi chung dưới một mái trường, đó chẳng phải là phi giáo dục? Còn tồn tại đội Sao đỏ là còn đó cuộc đua tranh thành tích, còn đó những mâu thuẫn trong mục tiêu của giáo dục. Đáng ngại hơn, nó có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của những đứa trẻ khi chúng có cái quyền soi xét, quyền công kích người khác.
Khi giáo dục mải miết chạy theo chỉ tiêu, thành tích, danh hiệu, điểm số thì cái đang thiếu lại là tình thương và sự bao dung. Những điều mà phàm làm người phải được uốn dạy trước tiên.