Không nên tăng giờ làm thêm

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:34, 29/10/2019

Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt là quy định khung giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; thích ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động và góp phần dịch chuyển lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực có quan hệ lao động, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội của người lao động.

Về việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như hiện hành. Có ý kiến tán thành việc mở rộng lên 400 giờ/năm nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.

Trong phát biểu tranh luận, có đại biểu cho biết nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn không muốn làm thêm giờ, dù thực tế họ cần làm thêm giờ để tăng thu nhập. Vì vậy, Quốc hội cần phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, có thời gian giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội mà không phải làm thêm giờ.

Các chuyên gia cho rằng, chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.Tuy nhiên, qua lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn có hai quan điểm về vấn đề này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trình Quốc hội 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu.

Theo phương án Chính phủ trình, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Như vậy, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Còn phương án 2 kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Các chuyên gia nghiêng về ủng hộ  phương án 1 bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của “người làm công ăn lương”, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể về lộ trình cho từng năm và xác định được thời điểm hoàn thành.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc thận trọng các yếu tố về lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền để thiết kế linh hoạt hơn và cũng cần có đánh giá tác động rõ hơn khi ban hành quy định.

Bảo Dân