Ngăn ngừa việc sa thải lao động trái luật
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:48, 03/10/2019
Theo quy định tại Điều 126, Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động chỉ được áp dụng biện pháp sa thải khi người lao động có các hành vi như: Trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc… Trước khi ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức họp xử lý kỷ luật, phải chứng minh được lỗi của người lao động.
Điều 162, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào sa thải trái pháp luật người lao động khiến người đó hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, về mặt chính sách đã khá đầy đủ, song thực tế tình trạng sa thải lao động trái pháp luật vẫn diễn ra khá phổ biến và ngày càng gia tăng, nhất là ở những doanh nghiệp FDI. Trong đó, đối tượng lao động bị sa thải phần lớn là lao động nữ ở ngoài tuổi 35.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phần lớn tranh chấp lao động đều xuất phát từ nguyên nhân tiền lương, hợp đồng lao động. Trong đó do nhận thức và hiểu biết pháp luật về lao động hạn chế nên khi bị công ty sa thải, thực hiện không đúng các chính sách về tiền lương, thai sản, bảo hiểm, của người lao động vẫn không biết công ty sai như thế nào, phải đấu tranh đòi quyền lợi như thế nào, hậu quả là người lao động chịu thiệt thòi.
Để hạn chế việc sa thải lao động trái luật, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có những điều chỉnh các điều khoản về hợp đồng lao động chặt chẽ hơn để tránh tình trạng người sử dụng lao động lách luật để chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt người lao động đặc biệt là đối với những người lao động ở độ tuổi tương đối cao khó có cơ hội kiếm việc làm.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quang Trung cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chuẩn bị đánh giá việc thực hiện Luật Việc làm, chuẩn bị hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật Việc làm, hướng tới các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan tổ chức ngăn ngừa việc sa thải lao động hàng loạt và hỗ trợ người lao động giữ người lao động ở lại làm việc thông qua công cụ tiền lương, bảo hiểm…
Trước đó, gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị cơ quan chức năng có cơ chế bảo đảm việc làm lâu dài, ổn định cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và bố trí nơi ở cho người lao động yên tâm làm việc.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khảo sát về vấn đề trên tại 16 tỉnh, thành phố, kết quả cho thấy việc chấm dứt hợp đồng lao động ở độ tuổi trên 35 tuổi chỉ chiếm 5-10% tổng số lao động nghỉ việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng lao động người lao động trên 35 tuổi cũng là một thực tế và ý kiến đại biểu, cử tri nêu cũng là một cảnh báo trong hoàn thiện chính sách và luật pháp về lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang khẩn trương rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về tuyển, giao kết hợp đồng lao động và sử dụng lao động, nhất là lao động lớn tuổi và lao động nữ; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động; Tăng cường công tác quản lý lao động, công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về pháp luật lao động; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng thỏa đáng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì việc làm, hạn chế sa thải lao động, nhất là các đối tượng dễ bị sa thải như lao động trung niên và lớn tuổi, đặc biệt là lao động nữ.