Học giả- bằng thật
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:11, 06/08/2019
Công nghệ giả mạo này có khả năng cung cấp cho hàng ngàn, hàng vạn người có ngay bằng trung cấp, bằng đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Đã có thông tin về “chợ” luận văn thạc sĩ giá bèo 15-20 triệu đồng, đủ để có thêm một cán bộ cao học không biết cái gì.
Cách nay không lâu, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã khám phá một “xưởng” sản xuất văn bằng giả với quy mô công nghiệp. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2015, “xưởng” sản xuất các loại giấy tờ giả đặt tại quận Hà Đông với rất nhiều thiết bị phục vụ cho việc chế tạo văn bằng giả rồi giao cho mạng lưới tiêu thụ theo thông tin quảng cáo công khai trên mạng xã hội. Mỗi bộ hồ sơ, giấy tờ giả được bán với giá từ 500.000 đồng đến 25 triệu đồng, tùy từng loại.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của tên cầm đầu, cơ quan công an phát hiện khoảng 2.000 phôi bằng thạc sỹ, 3.000 phôi bằng đại học, 5.000 các loại giấy tờ giả…y như thật.
Tuy vậy, các vụ việc bán bằng giả này xem ra thua xa cách kinh doanh bằng đại học (thật) bán cho sinh viên (giả) của ông Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Đông Đô vừa bị khởi tố, bắt tạm giam. Thì ra trường này tổ chức dịch vụ đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh theo mô hình liên kết: Học “giả” nhưng có bằng “thật”.
Cụ thể, nhiều năm qua, dù không được phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Đông Đô vẫn liên tục chiêu sinh. Riêng năm 2018, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô là ông Dương Văn Hòa đã công nhận tốt nghiệp và cấp phát bằng cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Bây giờ Thanh tra Bộ Nội vụ vào cuộc sẽ tìm ra hàng ngàn cán bộ công chức, viên chức dùng bằng đại học tiếng Anh của ĐH Đông Đô để được cất nhắc, đề bạt, quy hoạch dù không chắc đã biết “No” biết “Yes”.
Theo cơ quan điều tra, Hiệu trưởng Hòa “liên kết" với 200 trung tâm, tổ chức bên ngoài cấp (bán) văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh cho những người cần văn bằng ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ mà không cần học. Để hợp thức hóa sai phạm, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần gồm 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong vài ngày. Học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ coi như thi thật để nộp, để chấm, để có điểm trong hồ sơ và sau đó là có bằng tốt nghiệp hợp pháp.
Xem ra gian lận học hành thi cử ở ĐH Đông Đô còn trắng trợn hơn chấm thi ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Học viên được cấp bằng tốt nghiệp mà không cần học nên phải chịu lệ phí 40-50 triệu đồng cho một suất mua bằng. Bộ GD&ĐT sẽ phả trả lời như thế nào về việc quản lý phôi bằng để ĐH Đông Đô “bán“ bằng đại học dễ như mua hàng online?
Đây rõ ràng là “bằng thật - học giả”. Không lẽ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về việc đào tạo và cấp bằng đại học ở ĐH Đông Đô bị buông lỏng đến như vậy?