Đua ô tô “công thức 0%”
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 18:24, 14/07/2019
Thị trường ô tô ở nước ta được cho là có tiềm năng lớn, nhưng bao nhiêu năm trước khi xe của tập đoàn Vingroup xuất xưởng, ngành công nghiệp ô tô yếu kém liệu còn có cơ hội phát triển và đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu chất lượng tốt và giá rẻ lại được miễn thuế?
Dự báo thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn vào thời điểm 2030. Hiện thuế nhập khẩu ô tô từ các nước khu vực ASEAN đã giảm xuống còn 0%.
Năm 2018, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (CPTPP) cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 7-9 năm nữa. Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) cũng cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 9-10 nữa.
Như vậy, tới năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ là thị trường lý tưởng cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới, bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.
Hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe/năm vào thời điểm 2030. Thời kỳ ô tô hóa (motorization) sẽ diễn ra sau năm 2020. Tiêu thụ ô tô sẽ tăng dần từ con số 300.000 chiếc/năm hiện nay sẽ lên 1 triệu chiếc/năm sau khoảng 10 năm nữa.
Vậy hiện trạng ngành ô tô nước ta hiện nay ra sao? Được biết hiện nay dự án của Vingroup đầu tư nhà máy công suất 250.000 xe/năm giai đoạn 1 cũng chỉ nội địa hóa khoảng 40%. Công ty Trường Hải có dự án nhà máy ô tô Mazda công suất 120.000 xe/năm, giai đoạn 1 công suất 50.000 xe/năm đã hoàn tất.
Công ty Hyundai Thành Công đang theo đuổi dự án 120.000 xe/năm và hy vọng sẽ nâng công suất lên 240.000 xe/năm. Còn Công ty Toyota Việt Nam, đầu tư dự án nâng công suất từ 50.000 xe hiện nay lên 100.000 xe/năm vào 2023.
Ngoài ra, còn một số DN lắp ráp khác như Honda Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam... Như vậy, nếu các DN thực hiện đúng kế hoạch đề ra thì sau năm năm 2021, Việt Nam sẽ có công suất khoảng 1 triệu xe ô tô/năm. Sản lượng xe con sẽ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận xét, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có chi phí cao hơn khoảng 20% so với xe của các nước trong khu vực do sản lượng hạn chế và tỷ lệ nội địa hóa thấp. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và mở cửa thị trường ô tô, nếu lắp ráp bằng linh kiện nhập khẩu, chi cần 5-6 năm nữa công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ mất thị trường nội địa, nghĩa là thất thế trên đường đua.
Đến nay, ngành công nghiệp ô tô nước ta vẫn chưa trả lời được câu hỏi sẽ nội địa hóa như thế nào, trong khi các nước ASEAN đã có tỷ lệ nội địa hóa là 65-70%, dù đã có một số chính sách khuyến khích bước đầu. Thiếu vốn, thiếu tầm nhìn và tâm lý ăn xổi đang níu kéo công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất ô tô.
Cuộc đua xe ô tô “công thức 0%” thuế nhập khẩu báo trước việc xe ô tô nội địa sẽ không thể về đích và sẽ “ăn khói” trên đường đua!