Cắt đứt sợi dây “sân trước”- “sân sau”

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:48, 09/07/2019

Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 1/7, để kịp thời hướng dẫn thi hành Luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP trong đó, quy định rõ các trường hợp xung đột lợi ích.

Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, thông qua các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; xử lý vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích đối với người có chức vụ, quyền hạn, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật này nhằm ngăn chặn tình trạng nhập nhằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công; cắt đứt mối liên hệ giữa “sân trước” và “sân sau”.

Một trong 9 trường hợp hợp xung đột lợi ích được nêu trong Nghị định là: Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi người đó sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức, hoặc cá nhân khác. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để có thông tin về xung đột lợi ích, cần phải có biện pháp kiểm soát, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiệu quả, đồng bộ từ phía cơ quan, cá nhân có thẩm quyền dựa trên các nguồn thông tin, dữ liệu khác nhau, bao gồm cả dữ liệu về tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc kiểm soát xung đột lợi ích.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, một trong các mục đích của hệ thống kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập chính là phát hiện và kiểm soát xung đột lợi ích. Bên cạnh đó là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc chủ động tiếp nhận, xác minh thông tin, kiểm soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Trong Nghị định này, Chính phủ cũng quy định các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích. Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc kiểm soát xung đột lợi ích, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để tạo bước chuyển thực chất. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, vấn đề cốt lõi là chúng ta có quyết tâm làm và làm có nghiêm túc hay không, chứ không hẳn là có quy định hay không.

Chuyện “sân sau” là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với hầu hết các quốc gia đang phát triển trong quá trình chuyển đổi và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 59 sẽ góp phần nhận diện và từng bước ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là thông qua các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích và xử lý vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích đối với người có chức vụ, quyền hạn. Căn cứ vào các quy định này giúp từng bước ngăn chặn các tình huống nhập nhằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công, cắt đứt mối liên hệ giữa “sân trước” và “sân sau”.

Để ngăn chặn xung đột lợi ích, Nghị định quy định tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.  Đây là biện pháp quản lý mang tính tạm thời, được áp dụng để loại trừ khả năng chuyển hóa từ tình huống xung đột lợi ích sang tình huống vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, khả năng lạm dụng quy định này sẽ khó hơn vì đây chỉ là một biện pháp mang tính tạm thời để kiểm soát tình huống xung đột lợi ích khi có căn cứ rõ ràng, khách quan, xác đáng. Bên cạnh đó, để áp dụng biện pháp này thì người có thẩm quyền phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa khả năng lạm dụng.

                                                           

Trung Nguyễn