Kỷ luật cán bộ: Tình và lý
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:55, 17/05/2019
Hiện nay, Luật quy định có 6 hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; giáng chức; cách chức và buộc thôi việc.
Hơn 10 năm đi vào cuộc sống, theo quy định đã có người vướng vào hình thức thứ tư: bị giáng chức. Chẳng hạn đang là trưởng bị giáng xuống phó. Như vậy mặc nhiên chấp nhận chuyện vô lý là tăng số lượng cấp phó ở cơ quan đơn vị.
Bởi vậy, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã viết lại Điều 79, theo đó bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, chỉ giữ lại 5 hình thức kỷ luật như luật cũ. Riêng hình thức cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, hiện nay ranh giới giữa việc xử lý kỷ luật giáng chức và cách chức nặng về duy tình mà nhẹ duy lý: Lẽ ra cần cách chức thì lại chỉ giáng chức, giảm nhẹ hình thức kỷ luật. Hẳn vì vậy cơ quan soạn thảo đã thống nhất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.
Cán bộ vi phạm trên mức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì xử lý cách chức. Đề xuất này tương thích với 4 hình thức kỷ luật của Đảng là cảnh cáo, khiển trách, cách chức, khai trừ khỏi Đảng.
Tại Điều 84 dự thảo luật này quy định cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian đương chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một hình thức kỷ luật mới là xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Đề cập đến hình thức kỷ luật xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, các chuyên gia cho rằng nên cân nhắc quy định sao cho chuẩn. Vừa qua đã có trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức xoá tư cách nguyên Bộ trưởng (ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Bắc Son). Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục cân nhắc về hình thức kỷ luật này.
Khi xóa tư cách chức vụ là xóa các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ họ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu, tức là quyền về nhân thân gắn với chức vụ đó. Ủng hộ cần quy định trong luật việc kỷ luật cán bộ dù đã nghỉ hưu nhưng có vi phạm trong thời gian công tác, dư luận cho rằng hình thức kỷ luật này thể hiện sự răn đe và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thời gian qua trong công tác cán bộ, việc xem xét xử lý cán bộ có sai phạm đã được thực hiện công tâm, minh bạch. Đã có nhiều cán bộ cấp Trung ương bị kỷ luật từ khiển cách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ cũ, cách chức, truy tố và lĩnh án tù… Điều này cho thấy việc xử lý kỷ luật cán bộ không có vùng cấm và không có chuyện “hạ cánh an toàn” dù có sai phạm khi đương chức.
Kỷ luật cán bộ đã có lý có tình hơn!