Thay đổi hành vi
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:59, 10/05/2019
Tại Tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?” vừa qua, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông cho biết, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã cương quyết xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia. Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; riêng 4 tháng đầu năm 2019, xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, những việc làm đó của Cảnh sát giao thông, xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm.
Ông Lê Văn Thanh - Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, cho biết, tới đây, trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra tai nạn giao thông sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt. Hiện Bộ đang nghiên cứu tăng mức xử phạt nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn phạt tiền lên đến 20-30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng, cao hơn so với mức cao nhất trước đây là phạt 16-18 triệu và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 4-6 tháng.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I, triển khai quý II-2019, một số ý kiến cho rằng Chính phủ nên sớm sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tước vĩnh viễn giấy phép lái xe thay vì tước có thời hạn đối với tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn.
Bên cạnh chế tài xử phạt và việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, cũng cần có một cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo ông Khuất Việt Hùng Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến sử dụng rượu bia được Ủy ban và các bộ ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông, cộng đồng mạng xã hội triển khai rất mạnh mẽ. Hiện sự quan tâm của cộng đồng mạng đối với những người uống rượu bia vẫn tham gia giao thông, gây tai nạn nghiêm trọng là rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta tổ chức các đợt truyền thông, thay đổi nhận thức, hành vi về việc uống rượu bia không lái xe.
Nếu không làm tốt khâu tuyên truyền từ đầu thì rất khó có thể giảm được tình trạng tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn, bởi thực tế cho thấy, vẫn còn một điểm yếu trong công tác tuyên truyền, đó là chưa thực sự đo đếm, đánh giá được tác động làm thay đổi nhận thức hành vi của người tiếp nhận thông điệp tuyên truyền. Do đó, bước tiếp theo cần làm trong truyền thông về đảm bảo an toàn giao thông là phải có cơ quan độc lập đo đếm với những phương pháp được chuẩn hoá, đánh giá tác động của công tác truyền thông, giáo dục.
Bên cạnh đó cần phải hiểu rõ, tuyên truyền giáo dục là một gói các giải pháp: Thứ nhất là xây dựng các chuẩn tắc; thứ hai là phổ biến cho mọi người biết qua tuyên truyền, giáo dục; thứ ba là kiểm tra và xử lý. Có ba nhóm này mới hình thành nên cái gọi là tuyên truyền giáo dục.
“Thay đổi hành vi mới là mục đích tận cùng của việc truyền thông”- Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.