Nỗi lo từ bếp ăn học đường
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:39, 21/03/2019
Hiện nay, trên cả nước có hàng nghìn trường học có bếp ăn bán trú. Riêng TP Hà Nội có gần 2.800 trường học có bếp ăn bán trú, phục vụ khoảng 800.000 học sinh. Theo Sở Y tế Hà Nội, đa số bếp ăn nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhờ đó số đông học sinh ở Thủ đô có những bữa ăn bán trú an toàn, chất lượng. Dù vậy, vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn trường học. Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hơn 200 học sinh của Trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) vào tháng 11/2018 khiến dư luận hoang mang.
Được biết, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa thống nhất phối hợp triển khai công tác phòng chống dịch và an toàn thực phẩm trong trường học năm 2019. Một trong những nội dung phối hợp giữa hai ngành là sẽ cùng tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP của các bếp ăn bán trú, các cơ sở cung cấp suất ăn, cung cấp nước uống cho các cơ sở giáo dục.
Theo Luật An toàn thực phẩm (ATTP), việc quản lý ATTP trong trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp. Với cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường học có giấy phép kinh doanh thì phải có thêm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn VSTP. Với cơ sở không đăng ký kinh doanh (nhà trường tự nấu và cung cấp suất ăn cho học sinh) thì cần có cam kết với cơ quan chức năng và phải đảm bảo đủ các điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, cơ sở vật chất... Ngành giáo dục cũng thường xuyên quán triệt các trường về vấn đề đảm bảo ATTP, trong đó nhấn mạnh đến vai trò giám sát của Ban giám hiệu nhà trường và Ban phụ huynh trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.
Quy định là vậy nhưng thực tế, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm còn nhiều bất cập. Mặc dù các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các trường học đều đã được thẩm định hồ sơ, năng lực, tuy nhiên, nhiều nhà trường vẫn luôn trăn trở khi phải tự kiểm định thực phẩm đầu vào hàng ngày bằng… mắt thường.
Thậm chí, có hiện tượng doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể chỉ lo “làm đẹp” hồ sơ nhưng thực phẩm không cung cấp đúng như cam kết ban đầu. Nhiều cơ sở sẵn sàng chi mạnh tay “hoa hồng” cho đối tác để lấy được hợp đồng cung cấp, song với giá trong hợp đồng khó có thể đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, để đảm bảo ATTP tại bếp ăn trường học cần sự vào cuộc của cả 3 bên: Đơn vị cung cấp, nhà trường và phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý, răn đe đối hành vi tuồn thực phẩm bẩn vào các bếp ăn học đường, hành vi được coi là “đầu độc” đối với thế hệ tương lai của đất nước.