Đừng đề xuất suông!
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:58, 07/03/2019
Người dân hai thành phố này đều lo lắng không biết sẽ đi lại bằng gì nếu đề án được thực thi tắp lự? Đường sắt trên cao, tàu điện ngầm đô thị đều chưa dám chắc bao giờ được sử dụng. Các chuyên gia chỉ ra rằng ngay cả khi các công trình giao thông thời thượng này hoàn tất thì ở Hà Nội và TP.HCM, vấn nạn kẹt xe cũng khó bề khắc phục được. Người dân ngần ngại với số liệu được công bố là 90% người dân Hà Nội và 63% dân TP. HCM đồng tình cấm xe máy vào nội đô?
Nhiệm vụ chính trị của ngành giao thông là làm sao để giao thông công cộng đáp ứng thuận tiện và đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân, chứ không phải nay đề xuất mai đề xuất cấm xe ngày nào, đỗ xe bên nào ? Nên biết rằng vận chuyển hành khách công cộng chỉ đáp ứng được trên dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân như khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải.
Thông tin về đề xuất hạn chế xe máy khiến cả triệu cư dân TP HCM băn khoăn, lo lắng. Người dân nhớ lại có quan chức giao thông thành phố này từng thanh minh rằng, một khi xe còn nhúc nhích thì không thể gọi là kẹt! Nay lại đề xuất cấm xe vào các quận trung tâm mà không có những cam kết bảo đảm phương tiện thay thế cho xe máy để đi làm, đi học và đi công chuyện hàng ngày? Người dân TP HCM biết đến một số giải pháp kiểu như lập 5 bến taxi cố định ở quận 1 hiệu quả rất thấp. Bởi lẽ phải đi cả cây số mới có xe thì sao gọi là taxi ?
Phát triển vận chuyển hành khách công cộng (VCHKCC ) để hạn chế xe cá nhân là giải pháp tối ưu mà bất cứ đô thị nào cũng phải vận dụng. Ở Hà Nội từng có “sáng kiến” ngừng đăng ký xe máy mới đối với dân nội thành. Cái khó ló cái khôn, người ta thuê dân ngoại thành đăng ký “hộ”. Kết cục là hàng vạn chiếc xe không chính chủ nay vẫn lưu thông. Bao nhiêu năm rồi xe bus vẫn chạy đều nhưng không thể thay xe máy. Hà Nội có tuyến BRT xe bus nhanh nhưng chạy chẳng hơn xe bus thường. TP. HCM lại được kèm ngập lụt do triều cường “phối hợp” với mưa lớn trên diện rộng gây tắc đường, kẹt xe khủng khiếp.
Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM, có nhiều ý kiến ủng hộ, Tuy nhiên, các chuyên gia băn khoăn là đến năm 2030, liệu thành phố có thực hiện được hay không khi xe bus đáp ứng được vài phần trăm nhu cầu của người dân. Mặt khác đề án mới chỉ hạn chế xe máy vào quận 1, quận 3, quận 5, quận 10... nhưng chưa tính đến việc sẽ phát sinh các bãi giữ xe trước khi vào trung tâm. Các chuyên gia cũng chỉ ra bất cập trong việc thực hiện giải pháp lệch ca, lệch giờ, di dời cơ quan, nhà máy, bệnh viện, trường học ra ngoại thành. Vì vậy, ngành giao thông phải chuẩn bị đủ cơ sở pháp lý, chính sách và phương tiện cụ thể cho lộ trinh hạn chế xe cá nhân.
Hy vọng đến thời điểm đủ phương tiện đi lại công cộng, người dân sẽ tự động bỏ xe máy để đi xe bus, đi tàu điện ngầm, đường trên cao. Khi đó đâu có cần đến quy định hành chính về cấm xe cá nhân vào trung tâm. Vấn đề là phát triển VCHKCC cần có đầy đủ các giải pháp, có lộ trình phù hợp.