Cái tát thứ 232
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 17:14, 04/12/2018
Tôi thống kê đó là cái tát thứ 232. Tát vào ai?
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình-tác giả hình phạt học sinh bằng 231 cái tát đã bị cơ quan chức năng địa phương khởi tố để điều tra vì vụ việc đã có dấu hiệu hình sự.
Dư luận đang dần nguôi ngoai thì bất ngờ bà Hiệu trưởng trường này tên Phạm Thị Lệ Anh lại "tung chiêu" kỳ lạ. Bà ấy yêu cầu 23 em học sinh lớp 6/2 phải khai vào một "phiếu điều tra" với 19 câu hỏi xoay quanh vụ việc. Bà ấy làm thế để làm gì?
Theo lý giải của bà Lệ Anh thì mục đích chính là muốn "làm rõ sự thật của 231 cái tát" mà dư luận đang rùm beng hết cả lên ấy. Nhưng lời lẽ của bà Hiệu trưởng không thuyết phục. Cơ quan Công an đã khởi tố để điều tra thì hà cớ gì bà còn hao tổn trí lực "điều tra" thêm nữa?
Bà Hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh (hình nhỏ) và 1 bản khai của em học sinh
Người ta thừa hiểu rằng, với 19 câu "hỏi cung" và 23 lá phiếu sẽ là tấm khiên để bà bảo vệ mình, bảo vệ cấp dưới, để bà làm báo cáo đối phó với cấp trên, thậm chí là có thể "xù lông" lên với dư luận rằng sự việc chẳng nghiêm trọng đến mức ấy.
Bà Hiệu trưởng rõ ràng không phải là diễn viên nên diễn rất tệ. Càng biện minh cho việc làm của mình thì dư luận càng nhìn thấy sự ấu trĩ trong suy nghĩ của một người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Trước tiên, việc bà phát "phiếu điều tra" cho 23 em học sinh bị cô giáo ép tát bạn là cách làm gián tiếp để bà đe nạt những đứa trẻ non nớt. Bà đã gieo trong suy nghĩ của chúng một nỗi sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi đó khiến những đứa trẻ ngây thơ tự biết cách để "đổi trắng thay đen".
Khi cô giáo Thủy ép chúng tát bạn là dạy bạo lực cho học trò. Còn bà Hiệu trưởng yêu cầu điền "phiếu điều tra" là dạy học trò nói dối. Những đứa trẻ lớp 6 chưa đủ năng lực trả lời những câu hỏi đầy tính truy vấn, bức cung như thế.
Vậy nên không bất ngờ khi nội dung trong những lá "phiếu điều tra" những đứa trẻ này đã quay ngoắt 180 độ phủ nhận lời nói của chúng trước đó về vụ việc. Bà dạy bọn trẻ gian dối như vậy đấy, thưa bà Hiệu trưởng!
Ở một nơi mà trẻ con phải học bạo lực, phải làm quen cách nói dối thì có phải là trường học hay không?
Người viết luôn ý thức được rằng còn có rất nhiều điều tốt đẹp dưới mái trường, còn vô vàn những trái tim tâm huyết vẫn ngày đêm đau đáu với nghiệp trồng người. Thế nên đành tự an ủi "con sâu làm rầu nồi canh".
Sau khi xảy ra sự việc, người đứng đầu ngành có tâm sự ông không chấp nhận trong đội ngũ lại có người giáo viên như thế. Và ông buồn, buồn lắm. Ông đã yêu cầu phải xử lý nghiêm người trong đội ngũ của mình.
Nhưng, nếu không có giải pháp dứt điểm cho những hành vi phản giáo dục, bạo lực học đường mà chỉ quyết liệt "xử lý người trong đội ngũ" thì Bộ trưởng sẽ còn buồn hết nhiệm kỳ.
Nói đến đây rồi, các bạn đừng hỏi tôi, cái tát thứ 232 để dành cho ai.