Con bò trượt chân và sự hên xui
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 14:33, 05/11/2018
Đó là câu chuyện có thật xảy ra tại hệ thống kênh mương S8 (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Một bí ẩn bi hài được một con bò khám phá là thanh bê tông được làm bằng "cốt gỗ".
Chuyện là, vào ngày đẹp trời, một lão nông dắt con bò của mình xuống sông uống nước. Khi đi qua đoạn kênh mương thủy lợi con bò bất ngờ bị trượt chân đạp vỡ thanh giằng tại kênh mương và lộ ra cây gỗ được bọc bê tông.
Vụ việc càng trở nên thú vị hơn khi đơn vị chủ đầu tư phân trần với báo chí rằng, do công nhân "nghịch" lấy sắt làm chuyện khác nên khi thiếu mới đưa cây gỗ vào. Một lời giải thích hết sức tào lao, tầm bậy.
Cho dù hệ thống kênh mương thủy lợi cấp xã với vốn đầu tư chưa đến 1 tỷ đồng thì đó cũng là tiền của dân. Một "cái kim, sợi chỉ" còn không được tơ hào chứ đừng nói đến cả một thanh sắt. Phải khẳng định đó không phải là "nghịch" mà là hành vi ăn cắp.
Trong vụ việc này, câu hỏi đặt ra là nếu con bò không trượt chân thì sao? Thanh giằng "bê tông cốt gỗ" đã nằm ở đó 5 năm và chắc chắn bí mật đó sẽ còn được giữ rất kín, rất lâu nữa. Và thêm một lần, cơ quan chức năng lại là người biết sau cùng.
Thanh giằng lộ cốt bằng gỗ khi con bò bị trượt chân
Lỗi cũng chỉ tại con bò. Nếu con bò không ẩu đoảng thì chẳng có chuyện gì để nói. Những công bộc của dân cũng an yên mà "ăn chẳng từ thứ gì".
Không chỉ biết sau cùng mà những lời giải thích sau cùng cũng rất khó...lọt tai. Ngoài lý do công nhân "tinh nghịch", tại con bò thì mọi lỗi lầm đều đổ tại ông trời. Đường cao tốc 34 nghìn tỉ lỗ chỗ ổ trâu, ổ gà chẳng được lý giải là do mưa đấy thôi.
Cây cầu Bạch Đằng ở Quảng Ninh vừa khánh thành rình rang chưa lâu nay bị nghi ngờ lún võng. Những tài xế ngày ngày đi trên cây cầu này đều khẳng định chất lượng mặt cầu có vấn đề nhưng Sở GTVT tỉnh này vẫn một mực khẳng định đúng như thiết kế ban đầu. Cây cầu 7 ngàn tỷ đồng chứ có ít đâu mà thiết kế lại vênh váo như thế?
Cao tốc 34 ngàn tỉ hay nghi vấn về cây cầu 7 ngàn tỷ là "quy trình" của thanh giằng "bê tông cốt gỗ". Nó không được xử lý đúng mực mà thay vào đó là sự bao biện hết sức tào lao. Thói bao biện trở thành căn bệnh "thâm căn cố đế", trở thành phản xạ tự nhiên mỗi khi họ làm sai, làm láo. Và khi được áp dụng vào công tác quản lý, điều hành thì hậu quả hết sức tai hại.
Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có lần nói "Tham nhũng vặt an toàn là "bà đỡ" để người ta sẵn sàng thực hiện những vụ tham nhũng lớn hơn. Hàm tốt thì có thể nhai từ thịt đến xương, miếng to ăn được thì miếng bé cũng ăn được".
Nói một cách trần trụi, miếng bé ăn quen ắt sẽ ăn miếng to hơn, mà miếng to đã ăn được thì tính gì miếng bé. Dự án 1 tỷ "ăn" vài thanh sắt, dự án ngàn tỷ thì "ăn" vài chục, vài trăm thanh sắt. Đó là lẽ đương nhiên.
Quan trọng hơn là dù vụ việc lớn hay bé thường sau khi xảy ra hậu quả cơ quan quản lý, giám sát mới biết. Chuyện thanh giằng bê tông bọc gỗ nếu con bò không sơ sảy thì chẳng ai biết đó là đâu. Phòng, chống tham nhũng, bớt xén, bòn rút mà chỉ trông chờ vào sự hên xui như sảy chân của con bò thì thật đáng lo ngại.