Dự thảo phạt sinh viên bán dâm: Do ý thức hay tư duy?

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 12:52, 31/10/2018

Một Dự thảo về Quy chế học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa được đưa lên mạng để lấy ý kiến nhanh chóng được rút xuống sau khi dư luận phản ứng dữ dội.

Không chỉ dư luận xã hội, tại nghị trường Quốc hội một số nội dung trong dự thảo Thông tư được các đại biểu liên tục đưa ra để chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Trước đó, ngày 29/10, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11.

Dự thảo quy định nhiều nội dung, trong đó có đề xuất kỷ luật khiển trách nếu sinh viên vi phạm lần một, cảnh cáo nếu vi phạm lần hai, đình chỉ có thời hạn trong lần ba và buộc thôi học nếu tái diễn lần bốn với vi phạm về hoạt động mại dâm.

Vì sao sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học? Và Bộ GD-ĐT căn cứ vào đâu để đưa ra con số 4 lần "thần thánh" ấy? Rất nhiều những băn khoăn khác nữa nhưng chung quy lại dư luận cho rằng đó là những quy định mơ hồ, hài hước và thậm chí là xúc phạm sinh viên.

Dự thảo phạt sinh viên bán dâm: Do ý thức hay tư duy?

Quy định đuổi học sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 khiến dư luận xôn xao

Về việc này, Bộ GD-ĐT thừa nhận, trong quá trình soạn thảo Thông tư, Ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh khi ban hành Quy chế mới. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên Cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, Ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, việc đưa dự thảo Thông tư lên website là lỗi do "cán bộ năng lực hạn chế và ý thức kém". Ông khẳng định sẽ loại bỏ quy định này ra khỏi Thông tư.

Mặc dù Bộ đã kịp thời rút xuống, song những sơ suất trên đã khiến dư luận dậy sóng. Bộ thừa nhận sai, vậy sai ở chỗ nào?

Ở Việt Nam hoạt động mại dâm không được công nhận, đặc biệt hành vi môi giới hoặc chứa chấp mại dâm còn bị xử lý hình sự. Đã có rất nhiều diễn đàn được mở ra để tranh luận về việc hợp pháp hóa hay không hợp pháp mại dâm, tức công nhận mại dâm là một nghề. Thừa nhận không có nghĩa là để tôn vinh mà ở khía cạnh quản lý xã hội. 

Một số hoạt động mại dâm khác dù chỉ xử phạt vi phạm hành chính nhưng nó đã chịu những định kiến xã hội vì hư hại nhân phẩm, vi phạm giá trị về đạo đức nghiêm trọng. Nhà nước coi mại dâm là tệ nạn xã hội và đã được điều chỉnh trong luật thì không nhất thiết Bộ GD-ĐT phải băn khoăn thêm về việc này. Có chăng nên siết chặt hơn nữa những quy định về tác phong, cách ứng xử và lối sống của sinh viên, đặc biệt là sinh viên sư phạm.

Một giáo viên tương lai không thể có lịch sử bán dâm đến 3 lần hoặc có lối sống phóng túng, trụy lạc. Bởi để làm thầy người khác, đứng trên bục giảng phải hội đủ các yếu tố, tiêu chuẩn về thiên tư, học vấn, là thầy thì trước hết đạo đức phải trong sáng. Những yếu tố đó phải được tu dưỡng, tôi rèn ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Rất tiếc, những thành viên trong Ban soạn thảo văn bản của Bộ GD-ĐT đã không dựa trên quan điểm này. 

Việc để xảy ra những sai sót trong dự thảo không chỉ do năng lực yếu, ý thức kém như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, mà một phần khác là do giới hạn tầm nhìn và tư duy.

Một khi đã thuộc lỗi về tư duy thì không thể tránh được sai sót. Sửa sai là đương nhiên, nhưng lúc này, người đứng đầu phải thể hiện được vai trò của mình trong việc xây dựng thể chế chứ không phải đá quả bóng trách nhiệm cho cấp dưới, thưa Bộ trưởng Nhạ.

Biên Thùy