Lỗ hổng pháp lý

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:53, 11/10/2018

Không thể phủ nhận những yếu tố tích cực từ việc kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức BT, tuy nhiên song song với đó vẫn còn bộc lộ nhiều tiêu cực.

Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Tổng Kiểm toán Nhà nước - Hồ Đức Phớc ký ngày 10/5/2018, sau khi kiểm toán tại 30 dự án BT khẳng định: “Thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách”.

Cũng tại báo cáo này, sau khi kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT trong năm 2017, KTNN cho thấy, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu (Hà Nội 5/5 dự án, Đà Nẵng 3/4 dự án, Bắc Ninh 2/2 dự án, Thái Bình 3/3 dự án…) làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực…

Hình thức kêu gọi vốn BT này đã tạo cơ hội để cho nhiều công trình giao thông, nhiều dự án được  mọc lên. Và ở Việt Nam, loại hình BT phổ biến hiện nay là đổi đất lấy hạ tầng, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và địa phương thay vì trả tiền thì trả cho nhà đầu tư một diện tích đất, song từ đây cũng bộc lộ nhiều tiêu cực, nhất là câu chuyện tranh tối tranh sáng để ăn chia.

Trong thực tế Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Liệu có phải thiếu khoảng trống pháp lý mà thị trường liên tiếp xuất hiện các tỷ phú khi tình trạng đổi đất lấy hạ tầng còn tiếp diễn?

Tại cuộc họp báo ngày 5/10, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, về quy tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Danh mục các văn bản quy định chi tiết về sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng.

Đối với Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, ngay trong quá trình xây dựng Luật Sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã có dự thảo. Sau khi Thủ tướng có Quyết định 1357 về danh mục phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết, chưa đến 1 tháng Bộ Tài chính đã có tờ trình dự thảo về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

 Được biết, để hạn chế các khoảng trống pháp lý ngày 28/3 vừa qua Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công; theo đó: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành”.

Hiện Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT đang ở những bước hoàn thiện cuối cùng và dự kiến sẽ sớm được ban hành.

Bảo Dân