Kiểm soát quyền lực
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 19:30, 08/10/2018
Nạn chạy chức, chạy quyền, tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay có nhiều nguyên nhân nhưng lý do cốt lõi chính vì lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII, xác định: “... xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”.
Tại Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII), các đồng chí Ủy viên Trung ương cho rằng cần phải nhận thức sâu sắc về hậu quả của nạn “chạy chức, chạy quyền”, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của công chức. Bên cạnh đó cần kiểm soát quyền lực trong bố trí, sắp xếp cán bộ, vì đây chính là điểm nghẽn, phải đột phá.
Tại một hội nghị về công tác cán bộ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận xét: "Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua chúng ta không có đầy đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hoá, có hiện tượng biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, luật pháp hóa, đồng thời công khai, minh bạch. Nếu để một vài người sử dụng quyền lực thì sẽ tha hóa”.
Hiến pháp và pháp luật là hành lang pháp lý, là "cái lồng" của quyền lực, là khuôn khổ để kiểm soát quyền lực Nhà nước. Kiểm soát quyền lực vừa là nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của mình.
Những năm gần đây, Đảng ta đã có rất nhiều quy định chặt chẽ để quản lý đảng viên, trong đó phải kể đến 19 điều cấm đảng viên không được làm kèm theo hướng dẫn cụ thể. Nhưng có không ít đảng viên, tổ chức đảng quán triệt và thực hiện chưa triệt để. Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân những quy định nhiều khi còn chưa tạo ra được sự ràng buộc, chế tài chặt chẽ. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định 102 về xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật. Dư luận hết sức đồng tình với tinh thần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Cùng với việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, cần thực hiện nghiêm cơ chế công khai, minh bạch; phản biện, chất vấn, giải trình. Rà soát, bãi bỏ, hủy bỏ và thu hồi các quy định, quyết định về công tác cán bộ không đúng, không phù hợp, có sai phạm, kể cả những trường hợp đã được bầu cử, bổ nhiệm. Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính và xử lý bằng pháp luật những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cán bộ; xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ thực chất, hiệu quả…