Tăng cường cải cách, giảm tiền “lót tay”
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:41, 23/08/2018
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, điều này đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách trong các năm tiếp theo, mà nếu làm tốt, tiền “lót tay” sẽ giảm.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập thông tin ở 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành với 480.702 thông tin ở 8 lĩnh vực trên, từ đó đưa ra được bảng xếp hạng chỉ số APCI. Cụ thể, đứng trong nhóm có chi phí tuân thủ thấp nhất gồm thuế, khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh với chi phí trung bình đạt 396 nghìn đồng. Nhóm chi phí tuân thủ trung bình là hải quan, đất đai, giấy phép và chứng chỉ hành nghề, đầu tư trung bình đạt 5,47 triệu đồng. Nhóm chi phí tuân thủ trung bình cao nhất là môi trường, xây dựng đạt 55,45 triệu đồng. Riêng lĩnh vực xây dựng, chi phí tuân thủ này ở mức cao nhất với 64,1 triệu đồng.
Lý giải về sự chênh lệch khá lớn chi phí tuân thủ này, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân bởi thời gian qua, ngành thuế, hải quan rất tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn so với các thủ tục hành chính của các nhóm thủ tục còn lại. Kết quả này khá tương đồng với các kết quả chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... Mặt khác, kết quả cho thấy giải quyết gốc rễ vấn đề về cải cách hành chính phải từ thể chế, bởi nhóm có mức chi phí tuân thủ thấp thường có quy định rõ ràng, dễ hiểu...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, kết quả trong báo cáo là những dữ liệu thực tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo. Qua đó, giúp các cơ quan quản lý tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực. Dựa vào kết quả APCI của những năm tiếp sau, Chính phủ sẽ có thêm công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành, địa phương, từ đó tạo động lực và cạnh tranh trong cải cách.
Để làm được điều này cần quyết liệt. “Nếu không quyết liệt, không đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn cải cách. Nếu chúng ta làm tốt, công khai tốt thì rõ ràng chi phí thời gian, tiền “lót tay” chắc chắn sẽ giảm vì công khai được, giám sát được”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.