Dân chủ ở cơ sở
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 13:49, 19/07/2018
Đến ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị (khoá VIII) ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương nêu trên, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.
Đến ngày 7/1/2016, Bộ Chính trị (khoá XI) đã ban hành Kết luận số 120 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Vậy là đã hơn 20 năm Nghị quyết về cơ chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống, sau hơn 2 năm thực hiện Kết luận 120 về tiếp tục thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Vì vậy, một hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị (khoá XI) đã diễn ra ở Hà Nội do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 120 cho thấy, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng...
Báo cáo cũng nêu lên phương hướng trong thời gian tới, trong đó xác định rõ tiếp tục phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp ở cơ sở nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế, sức mạnh trong dân.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ngày càng được nâng lên. Theo đó, người dân đã tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Quyền làm chủ của nhân dân, các hình thức dân chủ đại diện được phát huy; dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được cụ thể hoá bằng đường lối, chủ trương, văn bản pháp quy trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội...
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế, yếu kém trong việc thực hiên quy chế quan trọng này. Tổng Bí thư nêu ví dụ ở nhiều nơi cứ nói thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền vẫn quan cách, gia trưởng, thậm chí cá biệt có cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong thời gian tới, phải làm sao để việc thực hiện Quy chế và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục.
Để phát huy, mở rộng dân chủ, cần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.
Tổng Bí thư yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân... Tổng Bí thư lưu ý, cần giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình và tự giác thực hiện. Ngay cả trong các trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa thông suốt, chưa hiểu rõ và chưa đồng tình thì càng phải tuyên truyền, vận động, giải thích, không gò ép áp đặt một cách thô bạo… Ý kiến này của người đứng đầu Trung ương rất cần được các ngành các cấp quán triệt để vận dụng trong thực tế hiện nay nhằm khắc phục nạn quan liêu, áp đặt và cũng chính là thiết thực bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.