Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 11:22, 26/06/2018
Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên người dân cả nước phải chứng kiến đồng bào oằn mình chống chọi với cơn giận dữ của thiên nhiên. Có những năm, nước lũ dâng cao hàng chục mét, "nuốt" hết nhà cửa, trâu bò, bờ xôi ruộng mật với hàng triệu bữa ăn của đồng bào vào trong bụng nước.
Ca nô, tàu cứu hộ rẽ nước chạy trên hàng loạt các khoảng không vốn là mái nhà, vườn cây, ao cá để tìm người mắc nạn. Nhưng liệu ai có thể còn sống giữa biển nước mênh mông, lút cả cột điện, ngọn xoan giữa núi xanh mây trắng?
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, âu đó cũng những gì chúng ta đã và đang phải trả giá cho lòng tham của mình khi quyết đánh đổi, tàn sát thiên nhiên trong suốt nhiều năm để đổi lấy tiền. Bởi ai đó đã nói rằng, nếu cứ san núi bạt rừng, bới đất lật cỏ lên mãi thì chỉ còn có mỗi âm ty và địa ngục.
Mưa lũ những ngày qua đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu, khiến cho hàng chục người chết và mất tích. Ảnh: Báo Sơn La
Mới cách đây vài năm, tôi đã từng mất nhiều ngày nhiều giờ để băng qua thập tầng đại sơn A Pa Chải. Khi đi mướt mải trong những trảng rừng cổ thụ, cây nào cây nấy đều cành lá la đà, phủ đầy rêu, tôi đã từng nghĩ, cả một gầm trời toàn rừng và muông thú nhởn nhơ kia, có thể cải tạo, thu phục, làm thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan của bạn một cách màu nhiệm nhất. Lạc vào đó, bạn như kẻ mê muội được thứ ánh sáng thánh thần trong vắt nào đó gột rửa khỏi mọi ti tiện, ganh ghét, tị hiềm, hiếp đáp.
Ấy thế mà chỉ trong vài năm, diện tích rừng A Pa Chải giảm đến hàng vạn hecta. Toàn những đinh, lim, sến, táu, mà mỗi thân cây đều là một kho tàng, một cuốn lịch biên niên của mấy trăm năm gió lớn, rét buốt và nắng nỏ bị người ta xẻ thịt.
Và không chỉ riêng A Pa Chải mà hầu hết những cánh rừng nguyên sinh nằm dọc dài biên giới phía Bắc rồi men theo dãy Trường Sơn kéo mãi vào đến Tây Nguyên, hút lên tận Bờ Y, tất cả đều cùng chung số phận, đi đến đâu cũng chỉ thấy ngời lên gió bụi, đứng giữa rừng mà cứ như thể "nhấp nhổm" giữa Hỏa Diệm Sơn. Nắng bạc đá non, nắng phơ phếch mặt người.
Khi không còn vòng tay che chở của đại ngàn, trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên, phận người chỉ như cỏ rác. Nếu diện tích rừng cứ dần bị thu hẹp, thậm chí biến mất với tốc độ "máy bay", "tên lửa" như bây giờ thì chỉ thoáng chốc nữa thôi, chúng ta sẽ còn phải hứng chịu thêm rất nhiều nỗi đau và mất mát.