Nếu còn tranh cãi hãy gọi nó là trạm thu tiền!

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 11:21, 23/05/2018

Thu giá hay thu phí? Theo cách lý giải của tư lệnh ngành giao thông ta có thể hiểu, nếu trạm BOT là sản phẩm của nhà nước thì người dân phải "trả phí", nhưng đây là sản phẩm của doanh nghiệp nên dân phải "trả giá".

Bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trao đổi với báo chí về việc trong một đêm các trạm thu phí BOT được đổi tên thành "trạm thu giá".

Ông Thể lý giải: "Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước".

Theo ông Thể thì việc đổi tên từ "phí" sang "giá" là quy định của Chính phủ chứ Bộ GTVT "không tự đặt ra". Dư luận nói Bộ GTVT cố tình lách luật, lập lờ đánh lận con đen hay cưỡng từ đoạt lý nhưng theo từ ngữ trong luật có vẻ như phát biểu của ông Thể không sai.

Đó là quy định nằm trong các đạo luật về Luật phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, Luật giá có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Từ ngữ trong Luật phí và Lệ phí được giải thích như sau: 

Phí khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công.

Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Như vậy, những khoản phí phải trả nhưng không cho dịch vụ công như quy định ở trên được Bộ GTVT gọi là giá.

Đối chiếu với thực tế hiện nay, hàng loạt cầu đường phần lớn là do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng theo hình thức BOT hay BT. Rõ ràng nó không thuộc quản lý, dịch vụ công vì vậy không chịu điều chỉnh của Luật phí và Lệ phí mà lúc này việc thu tiền thuộc về Luật giá.

Dẫn chứng như trên để thấy, về luật việc đổi tên Trạm thu phí sang Trạm thu giá dường như rất hợp lý. 

Tuy nhiên nếu xét về khía cạnh ngôn ngữ khi đọc "Trạm thu giá" nhiều người thấy chưa ổn, thậm chí nực cười. Tiếng Việt vô cùng phong phú và đang ở thời kỳ thịnh vượng nhưng nó cũng đang bị biến báo một cách khó lường.

Để chỉ một con đường không thẳng người ta gọi là "đường cong mềm mại", "gạt tay trúng má" để thay cho một hành động gây thương tích, hay gọi những đồng Polime là "vật giống tiền"...Những cụm từ trên bị coi là xảo ngữ nhằm đánh tráo khái niệm, có mục đích.

Một ví dụ khác về sử dụng từ giá và phí. Học sinh học ở trường công thì phải đóng học phí, còn học sinh học ở trường tư đương nhiên phải đóng học giá. Đi khám bệnh ở bệnh viện nhà nước thì gọi là viện phí, còn đến bệnh viện tư chúng ta phải trả viện giá...Nhưng lạ thay, chưa thấy các trường học, bệnh viện tư nhân ở Việt Nam làm theo cách của Bộ GTVT.

Còn cách đổi từ "phí" sang "giá", Bộ GTVT có mục đích hay không?  Bởi, phí là thứ được điều chỉnh, bị quản lý theo quy định còn giá thì không thể quản lý và biến động theo thị trường. Mặc dù khi dùng dịch vụ phải trả giá, người tiêu dùng có quyền mặc cả, có quyền từ chối sử dụng dịch vụ khi nó quá mắc, nhưng trớ trêu thay BOT thì không thể. Người dân tiếp tục cắn răng "trả giá" cho BOT.

Đổi Trạm thu phí sang Trạm thu giá không những là một cách làm máy móc mà còn có mục đích đánh tráo khái niệm của Bộ GTVT.

Và khi người Việt còn tranh luận về sự đúng sai của Tiếng Việt thì theo người viết, Bộ GTVT nên đặt tên các trạm BOT là Trạm thu tiền. Bởi bản chất của phí hay giá đều là tiền cả.

Biên Thùy