Trụ cột và cải cách
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:08, 10/05/2018
Trong suốt thời kỳ thực hiện đổi mới, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1995 đến nay, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, chính sách bảo hiểm xã hội đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về chế độ, chính sách, về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tổng số tiền chi cho các chế độ hưu trí, tử tuất, mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng khác năm 2017 từ Quỹ BHXH là 132.140 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với thời điểm ngày 1/1/2007, là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH. Tổng số chi hưu trí, tử tuất năm 2017 từ nguồn ngân sách Nhà nước là 44.875 tỷ đồng, chỉ còn 25,35% so với tỷ lệ 56,2% tại thời điểm ngày 1/1/2007.
Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia BHXH trên thực tế ngày càng được mở rộng. Tính đến năm 2017, tổng số người tham gia BHXH là 13,9 triệu người, tăng hơn 2,3 lần so với thời điểm Luật BHXH có hiệu lực…
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách BHXH cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp, chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia.
Trên thực tế, năm 2017 mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 70% chưa tham gia. Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị không đạt được.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong bối cảnh, điều kiện mới hiện nay, đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đan xen đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo về cải cách chính sách BHXH phù hợp. Trong đó, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, cần xác định mục tiêu tổng quát trong cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới là: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.