Đến giờ, ai còn trách Ngọc Sơn?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 15:29, 07/03/2018
Cho đến thời điểm này, khơi lại câu chuyện của Ngọc Sơn mới thấy sự thú vị. Ai theo dõi nhiều về mảng đời sống âm nhạc hẳn không thể không biết Ngọc Sơn. Ngọc Sơn từng được gọi với danh xưng "ông vua nhạc sến". Tiếng tăm của ca sĩ này trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 phải khẳng định là lẫy lừng.
Tuy nhiên, cái tên ăn khách bậc nhất thời bấy giờ cũng vướng vào không ít những tai tiếng mà phần lớn là do tính bốc đồng, khoa trương của Ngọc Sơn gây ra.
Cũng phải nói thêm nam ca sĩ này lúc nào cũng "hồn nhiên như cô tiên" mặc dù đã ở ngưỡng U50. Đứng trên sân khấu, Ngọc Sơn tự xưng là "tấm thân nhỏ bé" và coi khán giả là "đại gia đình". Và dường như tuổi càng cao thì cái tính "nhí nhảnh" của Ngọc Sơn càng lớn. Mặc ai trêu đùa, mặc ai trách móc, Ngọc Sơn vẫn cứ te tởn, nhe răng ra cười điệu.
Chính vì lý do này mà nam ca sĩ "vừa hát vừa hít đất" dù bị chỉ trích nặng nề về cái "danh hão" giáo sư âm nhạc nhưng vẫn cứ hồn nhiên, vẫn xuất hiện trên truyền hình với vai trò là giám khảo các cuộc thi âm nhạc đều như vắt chanh.
Tôi không nghi ngờ gì về tài năng của Ngọc Sơn, thậm chí nhiều nhạc phẩm Ngọc Sơn sáng tác, cá nhân tôi đánh giá là xuất sắc. Bên cạnh những lúc khoa trương quá lố ra thì Ngọc Sơn đáng để nhận được những lời khen ngợi vì những cống hiến của bản thân anh.
Danh hiệu giáo sư âm nhạc của Ngọc Sơn mấy tháng trước chẳng ai phong cả. Chẳng có ban bệ nào đánh giá, thẩm định cả. Ngọc Sơn, bạn bè, học trò của ca sĩ này cứ gọi cho sướng miệng. Rồi cái bằng khen vô giá trị kia nữa, có hay không cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Thậm chí qua đó mà thiên hạ có cái để cười, để làm vui trong chốc lát.
Chuyển qua câu chuyện của mấy ngày gần đây. Cũng là cái danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) được ban phát hẳn hoi, có ban bệ đánh giá đàng hoàng nhưng công chúng đã không thể cười nổi.
Gần 100 cá nhân bị gạt ra khỏi danh sách công nhận là GS, PGS năm 2017. Trong đó có cả những quan chức nhà nước đang ngồi ghế Bộ trưởng, Thứ trưởng. Đau lòng hơn là có trường hợp phải xin rút phong PGS vì bị tố đạo văn của một Tiến sĩ. Bát nháo như một cái chợ!
Công chúng phẫn nộ yêu cầu giải tán Hội đồng Chức danh giáo sư quốc gia vì đã không làm tròn trách nhiệm. Chưa nói đến việc các hồ sơ không đảm bảo đầy đủ minh chứng như quy định của nhà nước thì việc mỗi năm hàng trăm, hàng ngàn GS, PGS được phong cho thấy nhiều bất cập. Vì sao?
Vì "nguyên khí quốc gia" dày đặc, đông đảo như thế nhưng nhiều GS bói không ra công trình khoa học công bố quốc tế.
Nói có sách, mách có chứng, theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2017 cả nước có 24.500 TS, trong đó có hơn 16.500 TS đang làm việc trong các trường Đại học và Cao đẳng. Đồng thời năm học 2016 - 2017, hệ thống các trường Đại học và Học viện có quy mô đào tạo gần 13.590 nghiên cứu sinh (NCS), tăng 25% so với năm học trước; còn các Viện nghiên cứu có số lượng NCS (tính đến tháng 7-2017) khoảng hơn 1.600 người.
Đến nay, trong số TS đang công tác tại các trường đại học và Viện Nghiên cứu thì số có chức danh khoa học GS, PGS khoảng hơn 11.000 người.
Số lượng TS của Việt Nam (kể cả các trường hợp GS và PGS) so với các nước khu vực Đông Nam Á, ta không thua kém, thậm chí còn cao hơn cả Thái Lan, Philippines, nhưng số lượng công trình khoa học hàng năm được công bố trên các tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus của Việt Nam còn rất thấp.
Chỉ tính năm 2016, Việt Nam có 3.814 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế (tăng gần 3 lần so năm 2011) thì Thái Lan có 8.847 bài, Malaysia có 14.129 bài và Singapore có 14.120 bài... Ngay Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam với đội ngũ nhân lực hơn 210 GS và PGS, khoảng 800 TS nhưng năm 2017 chỉ có 688 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế đạt chuẩn ISI/Scopus.
Thà rằng cứ như Ngọc Sơn vừa hát vừa hít đất, vừa nhảy ngựa rồi tự phong "giáo sư âm nhạc" để thiên hạ cười ngả nghiêng, sảng khoái còn hơn hàng trăm, hàng ngàn cái học hàm, học vị chính quy rồi phải ngồi để rút kinh nghiệm chua chát.