Chính sách đặc thù cho nghề giáo
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:37, 16/11/2017
Đó là phát biểu của ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân tại buổi tọa đàm "Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy" vừa qua.
Tuy nhiên, sự ghi nhận của xã hội không chỉ bằng khẩu hiệu, mà phải bằng chính sách đãi ngộ cụ thể. Câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/ tháng của cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh đã được nhắc đến tại buổi tọa đàm này. Nói về trường hợp trên, PGS. TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng “điều đó có nghĩa là chính sách của chúng ta đang có vấn đề".
Câu chuyện của cô giáo Lan được lãnh đạo BHXH VN lý giải là do mức đóng bảo hiểm thấp (vì lương thấp) và một số bất cập trong chính sách BHXH giai đoạn trước. Tuy nhiên không thể phủ nhận chính sách đãi ngộ với giáo viên cả trước đây và hiện nay còn bất hợp lý. Vì vậy, điều phải thay đổi đầu tiên là về chính sách tiền lương.
Tọa đàm "Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy". Ảnh: Tuổi trẻ
PGS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay chính sách tiền lương cho giáo viên của chúng ta đang còn nhiều điểm bất cập. Thứ nhất là tiền lương còn đang rất thấp. Thứ hai là tiền lương vẫn chưa khuyến khích được những giáo viên trẻ có năng lực, có tiếp cận xã hội. Còn GS. TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng cần phải có đột biến về việc cải thiện đời sống vật chất cho giáo viên. Ông đưa đề xuất, trong bối cảnh còn nghèo về nguồn tài chính, thay vì đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất thì chúng ta cắt giảm và dành phần nguồn lực tài chính để đầu tư, ưu tiên chế độ đãi ngộ cho giáo viên trước.
TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, một trong năm giải pháp chiến lược mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra là trong năm nay quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với đội ngũ nhà giáo. Trong Luật Giáo dục đang sửa đổi, chương về nhà giáo rất được quan tâm. Tuy nhiên, cũng rất cần các thầy cô giáo nỗ lực vươn lên, đón nhận các thách thức và chuyển hóa một cách tích cực. Bởi đây cũng là cơ hội để các thầy cô khẳng định mình, vì Đảng và Nhà nước, tất cả các cấp, ngành đều quan tâm đến giáo dục ở những góc độ khác nhau.
Năm 2017, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Qua giám sát cho thấy, có đến 168 văn bản liên quan đến chế độ, chính sách cho nhà giáo, nhưng vẫn rất thiếu, lạc hậu và không đồng bộ, nên nhiều chính sách ban hành không đi vào cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, đây là điều chúng ta cần đối mặt, phải điều chỉnh. Vai trò của người thầy rất quan trọng, làm thầy là nghề đặc thù, nhưng chính sách không đặc thù thì không bao giờ là sự động viên, tạo động lực cho thầy cô giáo… Đã đến lúc phải làm cuộc rà soát một cách tổng thể tất cả văn bản, chính sách hiện có. Những gì lạc hậu thì bỏ và thay thế, những gì chưa có phải xây mới, đặt ra những quy định về cơ chế, chính sách đúng nghĩa đặc thù cho nghề giáo.