Tai họa, tại nhân hay tại thiên?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 15:23, 14/10/2017
Những con số gợi hình trên tạo ra cảm giác đau xót khủng khiếp.
Hình ảnh ấy tái hiện lịch sử cách đây 10 năm của trận mưa, lũ năm 2008. Lũ đúng quy trình, vỡ đê "có kế hoạch" nhưng những thiệt hại về người, tài sản thì không bao giờ được báo trước.
Gọi đó là những ngày đen tối liệu có quá lắm không nhưng thực tế nó đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đời sống người dân ở Chương Mỹ lao đao sau vụ "vỡ đê có kế hoạch" (Ảnh VNN)
Mạng người rẻ rúng trước cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên nhưng thật thiếu công bằng nếu mọi thứ đều "đổ đầu" ông giời, đều là "thiên tai" chứ không có trách nhiệm của nhân họa.
Mấy mươi thế hệ, mấy mươi đời người chúng ta đào sông, đắp đập chứa nước ngăn lũ. Năm nào cũng đóng góp kinh phí tu sửa, xây dựng đê điều đều đặn như vắt chanh.
Ấy thế mà mưa vài ngày, địa phương nào cũng vắt chân lên cổ vừa chạy vừa kêu cứu.
Có người phàn nàn thủy điện xả nước vô tội vạ, có người lại ca thán công tác dự báo thiên tai. Ông khí tượng phân trần, bắt bệnh cho người còn có lúc sai huống hồ bắt bệnh ông giời sao mà sát được. Còn ông thủy điện dọa, không xả nước kịp thời có thể trở thành thảm họa chứ chẳng chơi.
Thành thử, quy trách nhiệm cho con người rất khó.
Chương Mỹ, huyện ngoại thành Hà Nội chỉ sau 1 đêm làng mạc chìm trong biển nước. Báo chí thông tin vỡ đê, còn lãnh đạo địa phương thì lên tiếng phản bác.
Ông Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh trao đổi với báo chí đã nói: "Dân nhìn vào thấy vỡ đê nhưng chúng ta có thể nói là vỡ có kế hoạch, nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ trong chuyện đối phó".
"Vỡ có kế hoạch" một cụm từ mới tựa như "đường cong mềm mại" và "gạt tay trúng má" vậy. "Vỡ có kế hoạch" nhưng địa phương có kế hoạch đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân hay không mà để nhiều gia đình lao đao, rơi nước mắt như thế? Và rồi tới đây khi nước rút trách nhiệm của thành phố với đời sống của người dân ra sao? Các vị hãy trả lời cho rõ ràng, đừng vòng vo nữa.
Với người dân thì chuyện cũng đã rồi thôi đành an ủi nhau, dù gì cũng là vùng chứa lũ, vỡ có kế hoạch hay không có kế hoạch thì cũng cắn răng ráng mà chịu.
Đừng đổ lỗi do thiên tai mà tội nghiệp...ông trời. Con người cũng nhúng tay vào cả đấy. Ở tỉnh nọ, 60ha rừng bỗng chốc "bốc hơi" trước hàng chục các ban bệ địa phương chẳng ai hay biết. Sáng nay, Thủ tướng đã nói trong hội nghị về bảo vệ rừng: "Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết rừng bị phá".
Ông cũng nhìn nhận: "Những công trình thủy điện nhỏ nhưng lại phá rừng rất lớn, trong khi việc trồng rừng trở lại chưa được bao nhiêu".
Chỉ vài ngày mưa đã gột trôi hết những báo cáo đẹp đẽ chỉ còn lại những bất cập, yếu kém. Phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của con người trong thiệt hại của trận lũ lụt lịch sử vừa qua. Và nhất định người dân phải được biết kinh phí duy tu, bảo dưỡng đê điều ở một số địa phương đã được sử dụng như thế nào.