Nhạy cảm với...phát ngôn
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 07:51, 01/10/2017
Ngày 21/9, trong buổi ra quân dẹp xe vỉa hè trên đường Võ Văn Kiệt, ông Đoàn Ngọc Hải đã nói với một tài xế vi phạm: “Sống ở quận 1 là phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống”.
Thực ra thì ai cũng hiểu câu nói của ông Hải không có chủ ý xúc phạm người dân U Minh và tỉnh Cà Mau. Ông Hải cũng giãi bày rằng: "Không có ý gì đối với nhân dân U Minh thân thương hết! Mình khùng, mình điên hay sao mà sỉ nhục người dân của mình. Có điều, các tài xế vận dụng luật rừng rú cãi ngang khi phạm luật. Nâng quan điểm, phức tạp vô cùng”.
Phát ngôn của ông Hải không đáng bị...ném đá
Thế nhưng lời đã nói như mũi tên đã bắn không thể thu lại được. Vả lại, không phải ai cũng có thiện chí, ai cũng có suy nghĩ tích cực nên câu nói của ông Hải vô tình đã gây sóng dư luận.
Ngay sau đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đã có công văn đề nghị ông Đoàn Ngọc Hải giải thích về phát ngôn này.
Đáp lời của Cà Mau, chiều 28/9, Bí thư Quận ủy quận 1 (TP.HCM) Huỳnh Thanh Hải đã thay mặt Thường trực Quận ủy ký thư xin lỗi Cà Mau và huyện U Minh. Quận ủy quận 1 giải thích cặn kẽ rằng, phát ngôn của ông Hải không có ý xúc phạm hay chê bai gì người dân U Minh, Cà Mau cả.
Rồi sau đó, cá nhân ông Đoàn Ngọc Hải cũng có thư hồi đáp gửi tỉnh Cà Mau về lỗi "vạ miệng" của mình.
Đây là sự việc hi hữu giữa hai chính quyền, một bên cấp quận và một bên cấp tỉnh. Nhưng cũng qua việc hi hữu này chúng ta mới thấy có sự bất bình thường.
Tôi không hẳn bênh vực ông Hải mặc dù rất thông cảm cho câu nói lỡ lời của ông. Khi là một lãnh đạo việc cẩn trọng trong phát ngôn là điều cần thiết, đặc biệt khi ông Hải đang là nhân vật được dư luận chú ý, săm soi rất kỹ. Có rất nhiều người đồng tình cũng có rất nhiều người phản đối, thậm chí thù tức bởi hành động, việc làm của ông.
Trên thực tế sau khi ông Hải phát ngôn, tôi có đọc nhiều bài báo và quan sát mạng xã hội. Có nhiều bình luận trái chiều, tuy nhiên đa số dư luận cảm nhận được nỗi bức xúc nhất thời của ông Hải trong khi giải quyết một công việc mang tính thời sự hiện nay. Báo chí đã nâng quan điểm nhưng cũng phải nói Cà Mau cũng quá nhạy cảm.
Sự việc đáng lẽ đã kết thúc và không bị đẩy đi xa đến tận bây giờ nếu như lãnh đạo của hai địa phương phản ứng một cách chuyên nghiệp và nếu có thể thì nên dẹp sự tự ái mang tính cá nhân sang một bên.
Thật chẳng thể vui nổi khi cùng là người dân của một nước mà vẫn giữ cái thói kỳ thị vùng nọ, miền kia, giữa người quê với người phố, người giàu với người nghèo. Nhưng chúng ta thừa nhận những cái không vui ấy vẫn xảy ra ở một thời điểm nào đó, ở bất kỳ đâu trong cơ quan, công sở, quán xá vỉa hè.
Dân gian từng có những thành ngữ, những câu vè với mục đích phê phán lối sống của bộ phận người dân một số địa phương, tôi không tiện nêu lại. Nhưng chung quy đó chỉ là lời nói trong tình huống, giai đoạn nhất thời không phải là những động thái, hành vi thể hiện sự xúc phạm, kỳ thị.
Người dân quê vốn dĩ dễ nhạy cảm nên đôi khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề chưa thấu đáo nhưng chính quyền thì phải khác. Tất nhiên danh dự của một địa phương thì chính quyền phải đứng ra bảo vệ nhưng nên xem xét ở tình huống nào, mức độ ra sao thì hãy phản ứng.
Giữa hai đơn vị chính quyền nhà nước mà soạn văn bản, công văn thanh minh, thanh nga một chuyện không đáng thì thật kỳ cục, rất dễ biến thành trò cười.
Chuyện bé đừng xé ra to.