Từ cái quần đến cái đầu
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 09:43, 11/09/2017
Câu chuyện này không mới nên cũng chẳng đáng để om sòm. Còn nhớ vào cuối năm 2016, Hà Nội cũng soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thủ đô, trong đó quy định cấm công chức xăm hình, mặc váy ngắn cũng bị dư luận ì xèo, phản đối.
Ngay sau khi Cần Thơ có quy định trên tôi khá bất ngờ vì báo chí lại đưa tin rì rầm, người dân cũng bàn luận không ngớt. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân vì sao lại không được mặc quần jeans?
Dư luận muốn lời giải thích thì ngay lập tức có câu trả lời. Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ nói trên báo chí: "Không cho cán bộ mặc quần jeans vì có nguồn gốc của dân chăn bò, chăn cừu".
Quần jeans-biểu tượng thời trang bất tử
Quần jeans có nguồn gốc từ Mỹ, cha đẻ của nó lại là một người đàn ông gốc Đức tên Levi Strauss, (1829-1902). Levi Strauss theo mẹ đến New York năm 1847 rồi Califonia năm 1850 và tham gia đội quân đào vàng. Khi thấy công nhân đào vàng than phiền về chất lượng trang phục, ông đã lấy vải lều bạt may quần cho họ. Chiếc quần jeans đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Tiếp đó, Levi Strauss đã cùng người thợ may Jacod Davis liên tục cải tiến chất lượng. Chiếc quần Jeans đã giúp hai người nhận bằng sáng chế từ phòng Sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ năm 1873.
Thời gian về sau, chiếc quần jeans liên tục được cải tiến từ mẫu mã, màu sắc đến chất liệu khiến nó được nhiều người ưa chuộng, trong đó có dân cowboy (người chăn bò, cao bồi). Cho đến nay, chất liệu vải này không chỉ để may quần dài mà có cả quần ngố, quần đùi, áo, váy...
Tuy nhiên không chỉ có dân cowboy mà nhiều nguyên thủ quốc gia như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và rất nhiều các tỷ phú nổi tiếng thế giới thường xuyên đăng đàn bằng bộ trang phục này.
Dẫn ra như vậy để thấy, giải thích của ông Ba về việc cấm mặc quần jeans đến công sở là cách nhìn chưa thấu đáo, thậm chí là phân biệt đối xử, nhận định thiếu chính xác về chiếc quần jeans.
Chưa hết, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cũng rất thỏa mãn với những quy định trên. Ông Thống khẳng định "không thay đổi quan điểm trong chuyện này". Thậm chí ông Thống còn bồi thêm rằng: "Ví dụ, trong gia đình thì người làm chủ có quyền quy định con cái ăn mặc sao cho phù hợp, lịch sự, chứ để người ngoài can thiệp vào thì còn gì là quyền nữa".
Cuối cùng thì chính quyền TP Cần Thơ vẫn quyết "bỏ tù" cái quần jeans cho dù nó là một biểu tượng thời trang bất tử trên thế giới.
Đành rằng "nhập gia tùy tục" những quy định ở công sở, thậm chí ở nơi công cộng là một định chế văn hóa cần thiết cho một xã hội văn minh. Công sở không phải là công viên nên việc ăn mặc cần phải chỉn chu, kín đáo. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta áp dụng những quy định máy móc, cứng nhắc đôi khi trở thành phản cảm.
Chuyện "cấm" cái quần jeans là chuyện nhỏ, tư duy của người quản lý mới là cái đáng phải bàn. Dư luận nực cười về cách giải thích lý do không cho cán bộ mặc quần jeans đến công sở của Sở Nội vụ, (đơn vị tham mưu cho tỉnh về việc này) và còn kinh ngạc hơn với phát biểu của vị Chủ tịch TP.
Xin nhớ rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu". Muốn nâng cao chất lượng cán bộ, văn hóa công sở thì trước tiên phải cải tiến tuy duy, thay đổi từ cái đầu chứ không phải ở cái quần.
Khi cán bộ vẫn tự cho mình là cha mẹ của dân thì cà vạt cổ cồn đến công sở cũng bằng thừa.