Phải truy tận cùng ngóc ngách của tham nhũng

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 13:03, 06/09/2017

Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa họp phiên toàn thể lần thứ 7 để cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Có rất nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội chưa hài lòng với báo cáo này.

Công tác phòng, chống tham nhũng là vấn đề thời sự được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay. Tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy". 

Tổng Bí thư cũng chỉ đạo, sắp tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn, không có trở ngại nào, sức ép nào.

Còn trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội thì nhận định, công tác PCTN vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàngquản lý, sử dụng đất đai; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Phải truy tận cùng ngóc ngách của tham nhũng

Hình minh họa

Nhiều đại biểu cho rằng báo cáo nêu rất chung chung, chưa dám nhìn nhận thẳng thắn và thiếu tập trung. Các đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ phải trả lời được những thắc mắc của dư luận về việc có hay không tình trạng tham nhũng tại các dự án BOT, các dự án ngàn tỷ thua lỗ, dự án treo và bức xúc liên quan đến cán bộ sở hữu "biệt phủ".

BOT hay "biệt phủ" của quan chức rõ ràng là những ví dụ sinh động nhất về lợi ích nhóm, tham nhũng. Hàng loạt những bất thường liên quan đến các dự án BOT đã được chỉ ra trong thời gian qua. Thế nhưng, các cơ quan quản lý vẫn kiên quyết bảo vệ.

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói: "Điều mà Quốc hội, cử tri cần cập nhật vào báo cáo là các đại án ngàn tỉ, các dự án BOT có vấn đề, các quan chức có vấn đề đã bị xử lý… Lò nóng rồi mà không đưa củi vào thì lò sẽ tắt".

Chuyện "buôn chổi, nuôi heo" hay "làm đến thối móng tay" để xây biệt phủ khiến đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phải thẳng thắn: "Nói bán chổi, nuôi heo xây biệt phủ là coi thường dân".

Đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) cũng có chung quan điểm nhận định: "Chỉ nghe trả lời như vậy thì ai cũng bình luận rằng họ đang coi thường tổ chức, coi thường dư luận, và chỉ như vậy cũng không đủ tư cách làm cán bộ, đảng viên".

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý báo cáo chưa phản ánh được thực chất tình hình tham nhũng, chưa rút ra đánh giá, tập trung làm rõ nguyên nhân chính.

Đồng thời, báo cáo của Chính phủ cần xác định rõ hơn địa chỉ, nơi nào, khu vực, cơ quan, người nào chịu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng mới có biện pháp răn đe, phòng ngừa.

Dư luận lại một lần nữa đặt câu hỏi, công khai, minh bạch thực sự khó đến vậy sao? Tham nhũng khó thấy và khó tìm vậy sao? Hơn 1 triệu người kê khai tài sản thì chỉ phát hiện 3 trường hợp kê khai không trung thực, vậy cơ man những biệt phủ, những dự án thua lỗ, thất thoát là của ai, ở đâu? Và nếu chỉ có 3 trường hợp ấy thì tham nhũng đâu đến mức nghiêm trọng, phức tạp như báo cáo?

Không công khai, minh bạch, không dám nhìn thẳng và nói thật thì cuộc chiến chống tham nhũng, lợi ích nhóm dễ trở thành hình thức, hô hào suông.

Phải truy tận cùng ngóc ngách, phải "bắt tận tay, day tận mặt" thì người dân mới tin việc đấu tranh với tham nhũng không có "vùng cấm".

Đoàn Gia