Tiền lẻ và BOT

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 13:36, 15/08/2017

Vẫn là câu chuyện cũ, chỉ khác xảy ra ở một Trạm thu phí mới: Trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Tôi không muốn nhắc lại câu chuyện ở Cai Lậy, Tiền Giang vì nó đã trở thành một phong trào xảy ra rất nhiều nơi đặt trạm thu phí đường bộ trên khắp cái dải đất này. 

Vì sao cánh tài xế lại lại phản đối bằng cách bỏ tiền vào chai nhựa, dùng tiền lẻ để mua vé khiến trạm thu phí Cai Lậy gần như "thất thủ"? Mọi chuyện đều có nguyên nhân.

Trạm thu phí Cai Lậy được dựng lên sau khi tuyến đường tránh QL1 dài 12 km với 2 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, do Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang làm chủ đầu tư, được xây dựng hoàn tất.

Ngày 1/8/2017 trạm thu phí này bắt đầu hoạt động. Và chỉ ít ngày sau đó, các tài xế bắt đầu dùng đủ mọi cách để phản đối, họ cho rằng trạm thu phí đặt sai chỗ và thu với mức phí quá cao. Người ta còn nói, nếu đặt BOT Cai Lậy ở đây là cách "bóc lột", "xẻ thịt" người dân. 

Tiền lẻ và BOT

Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Ảnh: Zing)

Nhẩm tính nhanh, lái xe tính toán với hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên QL1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày đêm. Nếu lấy mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt đối với ô tô dưới 12 chỗ ngồi, thì mỗi ngày trạm thu phí thu được ít nhất là 1,75 tỉ đồng; mỗi tháng trạm sẽ thu được 52,5 tỉ đồng, một năm khoảng 630 tỉ đồng và 6 năm 4 tháng (thời gian được phép thu phí) ít nhất là hơn 4.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư chưa tới 1.400 tỉ đồng là bất hợp lý.

Không còn cách nào khác, cánh lái xe đã sử dụng tiền lẻ để gây khó dễ cho người thu phí và là thông điệp biểu thị sự phản đối được cho là khôn ngoan và nằm trong khuôn khổ của pháp luật.

Thoạt tiên tôi rất không hài lòng với hành động đó của tài xế. Cứ nghĩ nếu có trường hợp khẩn cấp như cấp cứu người bệnh thì chuyện gì sẽ xảy ra? Với cảnh xe ô tô nối đuôi nhau dài 4-5 cây số và nhân viên trạm thu phí vẫn phải nhặt từng đồng tiền lẻ, thậm chí bị xấp nước thì nỗi bức xúc của những người khác chắc chắn cũng sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Thế nhưng rất tiếc, cá nhân tôi không thể hiến một kế sách nào hay hơn để giúp các tài xế đang bị "xẻ thịt" kia truyền đạt nỗi bức xúc của họ.

BOT mấy năm nay mọc lên như nấm sau mưa song song với nỗi cùng cực vì bị tận thu của giới tài xế là những câu hỏi không bao giờ có câu trả lời xác đáng.  

Thế nhưng xét lại thì tiền lẻ không làm thay đổi bản chất của BOT, không làm BOT minh bạch hơn mà chỉ đẩy những mâu thuẫn lợi ích giữa người dân, chủ đầu tư và chính quyền lên cao hơn. Tiền lẻ cũng không làm BOT "thất thủ", không làm chủ đầu tư thất thu ngược lại chính người dân lại tự buộc thêm một vòng dây nữa vào cổ mình. 

Sáng ngày 15/8, tại nghị trường Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã thắc mắc: "Phần lớn BOT nằm ở giao thông đường bộ mà đường thuỷ, sắt không thấy nhà đầu tư nhảy vào. Phải chăng chỉ đường bộ mới mang lại lợi ích cho nhà đầu tư?". Ông cũng cho rằng, vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy là điều đáng buồn và cần thiết phải đảm bảo sự minh bạch, công khai tại các dự án BOT.

Nếu không có sự minh bạch, công khai thì ắt có tồn tại lợi ích nhóm. Kết quả giám sát của Đại biểu Quốc hội trước đây đã cho thấy, việc xây dựng trạm BOT mới chỉ là những cái bắt tay giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương. Tuyệt nhiên, những người trực tiếp phải è cổ ra trả tiền thì không biết đấy là đâu. Chính vì điều đó mới có câu phát biểu đầy vô cảm, hồn nhiên của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật "Hàng nghìn xe qua trạm Cai Lậy thì chỉ có 4, 5 người phản đối bằng cách nhét tiền vào ống nhựa".

Hơn thế nữa, việc ngang nhiên đặt trạm BOT để tận thu có nhiều dấu hiệu mờ ám, nhập nhằng "đánh tráo khái niệm" về nâng cấp, bảo trì. Rõ ràng các phương tiện đều đã đóng phí bảo trì hàng năm, tiền đó sử dụng ra sao? Và vì sao lại phải nộp thêm một lần tiền cho BOT? Về chuyện này, Bộ GTVT đã giải thích rằng do kinh phí sửa chữa quá lớn, ngân sách không kham được phải làm theo hình thức BOT và vốn ODA.

Đó mới chỉ là giải thích từ phía Bộ GTVT nhưng dư luận thì vẫn không thể không nghi ngờ vì sao Bộ lại quá nôn nóng trong việc xã hội hóa cải tạo các tuyến đường giao thông trong khi vốn ngân sách ít ỏi?

Đã đến lúc phải "mổ phanh" các dự án BOT để có một câu trả lời công khai, minh bạch!

Biên Thùy