Vụ cậu bé chơi đàn và sự đồng cảm lệch lạc
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 15:55, 31/07/2017
Thực ra câu chuyện này sẽ kết thúc nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu như những người trong cuộc chân thành với nhau từ cách góp ý đến văn hóa ứng xử.
Sự việc bắt đầu lan truyền một cách chóng mặt từ một tài khoản Facebook có nicknam là Hằng Karose chia sẻ lên trang cá nhân của mình. Chị Hằng chính là mẹ cháu bé chơi đàn Violin tại phố đi bộ Hồ Gươm bị lực lượng chức năng nhắc nhở vì chơi đàn với mục đích xin tiền nhưng không có giấy phép.
Chị Hằng cho biết, con trai chị chơi đàn với một mục đích rất trong sáng là gom tiền làm từ thiện. Thế nhưng đáp lại sự trong sáng ấy là hành vi nạt nộ, cấm cản của lực lượng bảo vệ trên tuyến phố đi bộ. Rất nhiều người đã biết phản ứng của cộng đồng mạng sau khi đọc chia sẻ ấy như thế nào. Họ đồng cảm, lên tiếng ủng hộ cậu bé và đổ dồn những bức xúc về phía những người thực thi công vụ.
Thế nhưng sau một thời gian ngắn chia sẻ những bức xúc của mình lên mạng xã hội thì chính chị Hằng lại công khai đăng lời xin lỗi của mình. Chị cho rằng mình đã nóng vội và thương con một cách mù quáng nên có những lời lẽ xúc phạm lực lượng an ninh.
Tôi cứ nghĩ rằng, những người đã đồng cảm, đã bình luận thóa mạ những người thực thi công vụ trước đó sẽ thấy hụt hẫng, sẽ thay đổi sự đồng cảm có phần lệch lạc của mình. Nhưng không, họ vẫn không ngớt chửi bới bằng những những suy luận phiến diện đầy tính chủ quan cá nhân. Họ không thừa nhận mình đã sai chỉ vì định kiến với những quy định có phần cứng nhắc của pháp luật.
Cậu bé chơi đàn Violin trên phố đi bộ
Trở lại với diễn biến của vụ việc cậu bé chơi đàn trên phố đi bộ. Bản báo cáo của tổ công tác kiểm tra hoạt động trên tuyến phố đi bộ cho thấy, sau khi bị nhắc nhở về việc chơi đàn xin tiền thì bố cậu bé và cả cậu bé đã có phản ứng. Không chỉ phản ứng bằng lời nói mà bằng cả hành động dùng chân đạp hộp đựng đàn của bố cậu bé.
Có những lời lẽ như trong bản báo cáo mà ông bố của cậu bé xúc phạm lực lượng chức năng, tôi không tiện nêu ra vì cá nhân tôi không có mặt tại hiện trường nên không thể xác tín. Thế nhưng nếu sự việc đúng như báo cáo thì ông bố đã sai.
Trước hết, ông bố đã không thể giúp con trai mình phân định rõ ràng được cái đúng và cái sai, hơn thế nữa ông đã khiến con trai có cái nhìn lệch lạc về chấp hành quy định của pháp luật. Ông đã không có đủ hiểu biết về pháp luật để giúp cậu con trai thực hiện cái nguyện vọng rất trong sáng của mình. Lẽ ra ông phải xin lỗi con trai về điều đó.
Nếu cho rằng hoạt động nghệ thuật là cao quý, thì tại sao họ không nghĩ được rằng việc đảm bảo tuân thủ pháp luật tại không gian công cộng cũng là cao quý?
Thứ hai, ông đã bỏ qua cơ hội hiếm hoi để truyền đạt cho cậu con trai đang theo học một trường quốc tế của mình bài học về văn hóa ứng xử và sự chân thành, ôn hòa trong cách góp ý. Thay vào đó, ông đã thóa mạ, xúc phạm những thực thi công vụ, cho rằng họ là những người "vô học"!
Tôi không dám trách cứ mà chỉ tiếc, rất tiếc là sự việc đã bị đẩy đi quá xa khi mẹ cậu bé đã kêu gọi sự đồng cảm của mạng xã hội. Đám đông với những định kiến có sẵn làm bản chất sự việc trở nên méo mó.
Phố đi bộ là một hình thức rất mới mẻ nên không thể tránh khỏi những va vấp trong quá trình quản lý thực hiện. Đó chính là cơ hội để nhà chức trách tiếp thu, chỉnh sửa một cách linh hoạt cho phù hợp với thực tế của không gian văn hóa.
Nếu hoạt động nghệ thuật không làm ảnh hưởng đến trật tự trị an, không làm biến dạng môi trường văn hóa công cộng thì sao không mạnh dạn khuyến khích? Nghệ thuật đôi khi chỉ là sự ngẫu hứng đừng cố gò ép nó vào khuôn khổ của thủ tục hành chính, vô tình triệt tiêu nét đặc trưng văn hóa mà chúng ta đang gắng kiếm tìm.