Đường sắt trên cao và chục ngàn tỷ đồng treo lơ lửng
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:54, 14/06/2017
Và xin nói thêm, nếu như không có sự "miệt mài" tố cáo của ông Lương Xuân Bình, nguyên phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) về những sai phạm tại Dự án đường sắt trên cao thì có lẽ con số lạm phát "cực kỳ ấn tượng" 10.000 tỷ đồng sẽ ít người biết đến. Lời giải thích nào hợp lý nhất về con số lạm phát kỷ lục ấy?
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục Hào Nam - Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào tháng 10/2008 dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2013. Thế nhưng phải đến tháng 10/2011 thì dự án này mới chính thức được thực hiện.
Chậm tiến độ, đội vốn "khủng" là "đặc sản" của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông
Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội thì tính đến ngày 28/6/2013, tổng vốn đầu tư dự án đã tăng lên thành gần 1,2 tỷ Euro so với khái toán ban đầu 783 triệu Euro. Theo đó, chênh lệch đội giá là 392 triệu Euro, quy đổi thời điểm đó: 1 Euro = 27.000 đồng, tương ứng với số tiền phải bổ sung cho dự án khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Nhấn mạnh 10 nghìn tỷ đồng chứ không phải vài triệu hay vài chục triệu đồng. Có thứ lạm phát nào chỉ trong 2 năm, dự án dài 13km đã đội lên mức giá khủng khiếp ấy không?
Đội giá đã đành nhưng ngót nửa thập kỷ nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức khi nào nó xong, khi nào tàu chạy mà toàn là những dự kiến ở mức độ thử nghiệm rất xa xôi. Sự hào hứng của người dân Thủ đô về tuyến giao thông hiện đại đến lúc này dường như cũng đã cạn kiệt. Nó quá chậm chạp, ì ạch, lê lết về đích trong nỗi thất vọng.
Một sự thật buồn bã là đã có rất nhiều lời cảnh báo về kịch bản tiêu cực với những khoản vay lãi suất thấp nhưng rất tiếc hậu quả vẫn xảy ra. Chúng ta không phải không biết mà là đã "nắm dao đằng lưỡi", chơi kiểu gì cũng đứt tay.
Vì sao có con số đội vốn 10.000 tỷ? Theo nội dung tố cáo của ông Lương Xuân Bình thì tại gói thầu số 6, nhà thầu luôn đưa giá cao hơn dự toán, nhưng chủ đầu tư phải chấp nhận mức giá vượt dự toán tới hàng chục triệu Euro. Tại gói thầu số 1, chủ đầu tư cố tình bỏ qua những nhà thầu có giá thấp mà chọn nhà thầu có giá cao hơn các nhà thầu khác.
Tại gói thầu số 3, chưa có mặt bằng sạch để bàn giao cho nhà thầu nhưng chủ đầu tư vẫn ký hợp đồng và đang đứng trước nguy cơ bị phạt trên 40 triệu USD.
Nếu đúng như vậy thì đó là những sai phạm mang tính chủ quan cần thiết phải được thanh tra làm rõ. Chẳng có lý do gì, một công trình đội giá hàng chục ngàn tỷ đồng, chậm tiến độ gần nửa thập kỷ và chưa kể vô vàn các quan ngại về tính khả thi của nó khi chính thức đưa vào vận hành mà không một ai đứng ra nhận trách nhiệm. Điều vô lý ấy nằm chềnh ềnh giữa Thủ đô, treo lơ lửng giữa đường ray trơ khấc cùng chục ngàn tỷ đồng "biếu không" đầy đau đớn.