Xã hội hóa chăm nuôi trẻ bất hạnh
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 06:19, 01/06/2017
Tại phường Hà Trung, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang có một bà cụ già nhận chăm nuôi trẻ bất hạnh. Chuyên gì lạ vậy? Thì ra đây là mô hình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi bố mẹ, mất nguồn nuôi dưỡng) được chăm nuôi tại cộng đồng, thí điểm tại gia đình tự nguyện nhận nuôi có thời hạn. Được biết, có tới 30 em có hoàn cảnh tương tự đang được nuôi dưỡng như vậy.
Quảng Ninh triển khai mô hình này từ năm 2013, đã huy động sự tham gia của xã hội, nhất là các gia đình có điều kiện và tự nguyện nhận trẻ về nhà mình để nuôi dưỡng nhằm trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hoà nhập cộng đồng. Mô hình này góp phần mở ra các hình thức chăm sóc dựa vào cộng đồng và từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.
Cả xã hội cùng chung tay chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn
Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của các em và nhu cầu, khả năng nhận nuôi của gia đình tại cộng đồng. Nhờ đó đã có danh sách các gia đình sẵn sàng nhận nuôi trẻ bất hạnh tại TP. Hạ Long, Cẩm Phả và Quảng Yên. Trung tâm đã bàn giao trẻ em về với các gia đình nhận nuôi và hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng nhằm giảm bớt khó khăn cho gia đình. Ngoài ra Trung tâm còn tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ cho gia đình nhận nuôi đồng thời tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị, kỹ năng tự chăm sóc bản thân; xác định vị trí của bản thân đối với gia đình, xã hội...
Hàng tháng, nhân viên của Trung tâm thường xuyên đến thăm trẻ em và cấp phát kinh phí hỗ trợ hàng tháng là 450.000 đồng/trẻ và 450.000 đồng/gia đình nhận nuôi. Ngoài ra, các em còn được trợ cấp mua quần áo, đồ dùng sinh hoạt và học tập với mức 700.000 đồng/trẻ/năm. Các chuyên gia tính ra để thành lập một cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoành cảnh đặc biệt khó khăn này Nhà nước phải xây nhà, sắm đồ đạc, chi phí điện nước và thuê người chăm sóc… sẽ tốn kém hàng tỷ đồng trong khi mô hình này ít tốn kém hơn. Và điều quan trọng là các em được sống trong không khí gia đinh ấm áp tình người.
Năm nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với chính quyền, các đoàn thể địa phương trên địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động mô hình thí điểm đối với 30 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và xây dựng cơ sở dự phòng gồm 75 gia đình sẵn sàng nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đánh giá hoạt động chăm sóc trẻ bất hạnh tại cộng đồng, các chuyên gia cho rằng mô hình này đã giúp các em được trợ giúp thiết thực và trải nghiệm cuộc sống gia đình. Đa số các gia đình nhận nuôi dưỡng các em là những người có quan hệ huyết thống, đúng như người xưa đã dạy “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nhận nuôi trẻ em ngoài huyết thống.
Cách làm của tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn có thể nhân rộng tại các địa phương khác bởi lẽ mô hình này mang đậm tình nghĩa đồng bào trong khi ngân sách chỉ cần một khoản chi tối thiểu là có thể cưu mang những đứa trẻ bất hạnh. Nếu được xã hội hóa nhiều hơn sẽ có thêm kinh phí cho việc học hành và các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vẫn có một mái ấm.